Nghề môi giới bất động sản không phải một công việc “làm thêm”

Các chuyên gia cho rằng, để làm được nghề môi giới bất động sản cần có tâm thế tốt, gắn bó lâu dài, chứ không chỉ là công việc “làm thêm” trong giai đoạn tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh cơn sóng tinh giản biên chế ngày càng lan rộng, hàng nghìn công chức và viên chức đang đối mặt với nguy cơ mất việc. Việc tìm kiếm một nghề nghiệp mới để duy trì thu nhập và ổn định cuộc sống trở thành bài toán không thể né tránh. Liệu công chức, viên chức có thể chuyển sang thử sức với nghề môi giới bất động sản hay không?

Có thể kiếm được tiền tỷ nhưng cũng cần chỗ dựa tài chính

Theo ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, để thành công trong nghề môi giới bất động sản, trước tiên cần có tâm thế tốt và xác định gắn bó lâu dài với nghề, thay vì chỉ coi đây là công việc "làm thêm". Ngoài ra, nghề này đòi hỏi sự chăm chỉ học hỏi, kỹ năng linh hoạt, sự hoạt bát, nhanh nhẹn, cũng như kiến thức cơ bản về xây dựng, kinh tế, kiến trúc và tâm lý xã hội.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng một chỗ dựa tài chính ổn định từ gia đình trong ít nhất 6 tháng đầu là rất quan trọng, bởi nếu không, nhân viên sẽ khó tập trung để phát triển nghề nghiệp. Để hỗ trợ nhân viên làm việc hiệu quả, các công ty bất động sản hiện nay thường tổ chức các chương trình đào tạo bài bản, bao gồm kỹ năng marketing, tư vấn khách hàng và xử lý hồ sơ pháp lý.

Theo ông Quê, các nhân viên mới thường trải qua quá trình đào tạo liên tục từ 3 đến 7 ngày và có thêm các buổi hướng dẫn hàng tuần hoặc khi có dự án mới. Trong giai đoạn thử việc kéo dài từ 1 đến 3 tháng, nhân viên có thể nhận mức lương cơ bản từ 2 đến 6 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập sau đó không bị giới hạn, phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực cá nhân và khả năng chốt giao dịch.

Liệu công chức, viên chức có thể chuyển sang thử sức với nghề môi giới bất động sản?

Bởi lẽ, nhân viên môi giới sẽ được nhận hoa hồng khoảng 2 - 5% từ các giao dịch mà mình hỗ trợ thành công. Chưa với các khoản thưởng nóng từ công ty và khách hàng, người môi giới có thể đạt được mức thu nhập hấp dẫn và vượt xa kỳ vọng. Mỗi giao dịch bất động sản thành công cũng mở ra nhiều cơ hội để thực hiện thêm các giao dịch thành công khác.

Tuy nhiên, không ít môi giới bất động sản thất bại và bỏ nghề ngay từ năm đầu tiên. Theo đó, nghề môi giới bất động sản đòi hỏi sự bền bỉ, cần nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm, khi đã đủ “chín” không bao giờ phải lo thất bại.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản khác nhấn mạnh, để trở thành một chuyên viên tư vấn bất động sản chuyên nghiệp và có thể sống được bằng nghề, cần phải trang bị kiến thức chuyên môn và đạt chứng chỉ chuyên môn.

Chứng chỉ này không chỉ đảm bảo sự hiểu biết toàn diện về các quy định pháp luật liên quan đến bất động sản mà còn giúp nhân viên nhận diện được sản phẩm hợp pháp, biết cách thực hiện các thủ tục mua bán đúng quy trình. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định rằng những kiến thức thực tiễn sẽ được trau dồi và phát triển thông qua kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc.

Không hoàn toàn “màu hồng”

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường, vai trò của nhà môi giới bất động sản đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết, đòi hỏi các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 40.000 người hoạt động trong lĩnh vực này có chứng chỉ do các cơ quan chức năng cấp.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, môi giới không chỉ đóng vai trò kết nối cung cầu mà còn là cầu nối quan trọng cho người mua nhà, các nhà đầu tư, giúp họ lựa chọn được các sản phẩm phù hợp. Do đó, nếu môi giới không đạt được các tiêu chuẩn về kỹ năng nghiệp vụ, rủi ro cho người tiêu dùng là rất lớn, vì người dân thường không có năng lực thẩm định, thẩm tra và hoàn toàn tin tưởng vào môi giới.

Mới đây, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 với những quy định kiểm soát chặt chẽ liên quan đến cá nhân làm nghề môi giới bất động sản nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giao dịch đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Để trở thành một chuyên viên tư vấn bất động sản chuyên nghiệp và có thể sống được bằng nghề, cần phải trang bị kiến thức chuyên môn và đạt chứng chỉ hành nghề

Theo anh Nguyễn Hoàng (quận 9, TP.HCM), điều này sẽ giúp người mua nhà đất, giới đầu tư bớt thấp thỏm về việc cò đất tạo sốt ảo, làm mất tiền oan, gây khó khăn cho cả người bán và người mua. Bởi lẽ, nhiều người đi mua nhà ở thực không rành về thị trường nên gần như hoàn toàn phụ thuộc vào môi giới. Trường hợp không may gặp môi giới “thời vụ” chỉ chạy theo lợi nhuận, quyền lợi của người mua sẽ bị ảnh hưởng.

Anh Đức Vượng, một môi giới tại TP Thủ Đức (TP. HCM) cho biết, với sự phát triển của thị trường bất động sản, những người làm nghề môi giới cần không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là phải có chứng chỉ hành nghề. Các quy định mới liên quan đến bất động sản nói chung và cá nhân làm nghề môi giới nói riêng được xem là cơ hội để sàng lọc "cò đất", giúp những môi giới thực sự có cơ hội phát triển và tìm hợp đồng.

Cũng theo anh Vượng, thị trường bất động sản đang ấm lên, sẽ thu hút nhiều người đến với nghề môi giới, nhưng nếu không có kiến thức, kỹ năng và chứng chỉ hành nghề sẽ khó tồn tại, thậm chí làm giảm uy tín nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, anh Lê Công Khánh, môi giới và cũng là nhà đầu tư bất động sản cho biết, trên thị trường hiện nay có không ít môi giới chuyên nghiệp, làm việc có trách nhiệm, bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả người bán, người mua và chính bản thân mình. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ là "cò đất", với mong muốn nhanh chóng kết nối mua - bán để hưởng hoa hồng ngay lập tức.

Để tiếp tục phát triển mặt tích cực của nghề môi giới bất động sản và khắc phục những vấn đề phức tạp từ "cò đất", ngoài việc nâng cao số lượng và chất lượng của những người làm nghề đúng nghĩa, rất cần Nhà nước có thêm các chính sách và thông tin rõ ràng, đầy đủ về thị trường nhà đất.