Vụ bé gái bị vật cứng trên chung cư rơi trúng đầu và hành vi vô ý thức từ góc nhìn pháp lý

Anh Trịnh chia sẻ, con gái anh bị lún khoảng 7mm khi vật cứng từ chung cư rơi trúng đầu. Tuy nhiên, bản thân anh không yêu cầu cá nhân hay tập thể phải bồi thường. Gia đình chỉ muốn lên án sự vô ý thức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác.

Bị thương do vật thể từ tầng cao rơi xuống

Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh một bé gái đau đớn, bật khóc, đầu chảy nhiều máu vì bị vật thể từ tầng cao chung cư rơi trúng tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng mạng.

Rất nhiều bình luận bày tỏ sự xót xa, thương cảm với nạn nhân. Đồng thời, nhiều người cũng bày tỏ sự phẫn nộ khi biết nguyên nhân dẫn đến vụ việc do sự thiếu ý thức của người sống tại chung cư.

Bé gái hoảng loạn, khóc khi bị vật thể từ tầng cao chung cư rơi trúng

Anh Đặng Xuân Trịnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận bé gái bị chảy máu đầu trong đoạn clip là con gái anh. Sự việc xảy ra vào ngày 13/9 tại sân chung cư Gelexia Riverside Yên Sở (quận Hoàng Mai). Khi đó, con gái anh đang chơi cùng các bạn nhỏ khác thì bất ngờ bị một vật cứng rơi từ tầng cao của chung cư trúng vào đầu.

Trong tình trạng hoảng loạn, anh Trịnh đã dùng áo để cầm máu và đưa con gái đi cấp cứu. Do vết thương khá nặng, đội ngũ y tế đã đề nghị chuyển bé đến bệnh viện để điều trị. 2 ngày sau vụ việc, con gái anh vẫn còn hoảng sợ, buồn nôn và đau đầu. Gia đình đã đưa bé đi chụp CT sọ não, kết quả cho thấy hộp sọ của bé bị lún khoảng 7mm.

Bác sĩ khuyên gia đình cần theo dõi kỹ trong vòng một tháng đầu, đồng thời chú ý cho bé ăn các loại thức ăn mềm. Tình trạng lún hộp sọ sẽ dần bình phục theo thời gian.

Ngày 14/9, anh Trịnh đã gặp gỡ ban quản lý chung cư, chủ đầu tư và thông báo sự việc tới công an phường. Công an phường Yên Sở đã tiếp nhận thông tin và cử lực lượng cảnh sát khu vực điều tra vụ việc. Anh Trịnh mong các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra chi tiết, làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố này. Anh Trịnh kêu gọi ban quản trị chung cư cần tích cực vào cuộc để quản lý, nâng cao ý thức của người dân nhằm tránh những sự cố đáng tiếc trong tương lai.

Anh Trịnh chia sẻ, bản thân không yêu cầu cá nhân hay tập thể phải bồi thường. Tuy nhiên, gia đình muốn lên án ý thức của một số người dân ở chung cư. Anh hy vọng qua sự việc này, ý thức của cư dân sẽ được nâng cao, tránh những trường hợp tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến tương lai trẻ nhỏ.

Hiện tại, điều anh Trịnh quan tâm nhất chính là sức khỏe của con gái. Gia đình anh đang tập trung chăm sóc và ổn định tâm lý để bé có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vô ý thức gây nguy hiểm cho nhiều người

Thực tế, trường hợp đồ vật rơi từ tầng cao chung cư xuống đã từng xảy ra. Tháng 6/2022, Chị Thanh Tú (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đưa bố mình là ông T. (70 tuổi) đi dạo dưới sân chung cư thì một chiếc mỏ lết rơi từ tầng cao xuống suýt trúng đầu ông cụ.

Chị Tú cho biết, bố chị vừa mới lên Hà Nội chơi với con được đúng một ngày thì xảy ra sự việc trên. Nếu chiếc mỏ lết chỉ rơi lệch một chút nữa thôi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Quá bức xúc, chị Tâm đã đăng thông tin cảnh báo lên group của cư dân tòa nhà.

Hình ảnh một chiếc thớt rơi ở chung cư Gemek 1 (Hoài Đức, Hà Nội) được cư dân chụp hình đăng tải cảnh báo trên nhóm cư dân

Năm 2019, tại khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội), một cụ ông cũng bị ổ khóa rơi từ tầng cao chung cư trúng gây thương tích ở đầu. Năm 2018, một bé trai 3 tuổi ở TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) đã tử vong sau khi bị một viên gạch rơi trúng khi đang chơi dưới chân chung cư 15 tầng.

Hay trước đó, năm 2017, một người đàn ông tại khu đô thị HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) suýt bị một chiếc thớt và dao lớn rơi từ tầng cao xuống trúng đầu.

Theo nhiều nhà xã hội học, nguyên nhân của tình trạng trên một phần xuất phát từ ý thức cá nhân, một phần do sự khác biệt về lối sống và văn hóa. Hiện tại, ở nhiều khu chung cư, không chỉ có các gia đình trẻ sinh sống mà còn có ông bà, người lớn tuổi và các bác giúp việc. Phần lớn họ đến từ các vùng quê, chưa quen với nếp sống ở chung cư và chưa hiểu rõ về văn hóa trong môi trường công cộng, do đó vẫn giữ những thói quen cũ trong cách hành xử.

Để hạn chế những hành vi thiếu ý thức, Ban quản trị tòa nhà đã triển khai nhiều biện pháp như nhắc nhở, tuyên truyền và khuyến khích cư dân lắp lưới an toàn để ngăn chặn việc ném rác xuống đường. Đối với những cá nhân vi phạm, thông tin căn hộ sẽ được công khai trên bảng tin và trang thông tin dành cho cư dân.

Kiến trúc sư Trương Thành Trung - Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T cho biết, giải pháp phổ biến nhất hiện nay để ngăn chặn đồ vật rơi từ tầng cao chung cư (đặc biệt với những tòa nhà có không gian sinh hoạt cộng đồng phía dưới) là lắp đặt lưới an toàn cho từng căn hộ. Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ trẻ nhỏ mà còn giảm thiểu sự xâm nhập của côn trùng.

Tuy nhiên, việc lắp lưới an toàn cần phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, như lắp đặt chốt an toàn hoặc chọn loại lưới dễ cắt trong trường hợp khẩn cấp khi sử dụng búa hoặc kìm cắt.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, ném đồ từ tầng cao chung cư là hành vi nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 phụ lục 1 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi này mà mới chỉ có quy định dẫn chiếu.

Cụ thể, người thực hiện hành vi làm rơi đồ từ nhà chung cư cao tầng xuống đất mà có tính chất "cố tình" ném chất thải, chất bẩn vào người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Nếu cố tình ném hoặc vứt đồ vật từ ban công hay cửa sổ xuống đất gây tổn thương cho người khác với tỷ lệ từ 11% trở lên, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác" theo Điều 134 của Bộ luật Hình sự 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp vô tình làm rơi đồ vật mà gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương từ 31% đến 60%, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác" theo Điều 138 của Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc làm chết người, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo "Tội giết người" theo Điều 123, hoặc "Tội vô ý làm chết người" theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự 2015. Việc truy cứu theo tội danh nào còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và đặc biệt là ý thức chủ quan của người ném đồ.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản, sức khỏe, hoặc tính mạng mà họ gây ra cho người khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự.