TP. HCM: Khó khăn trong quản lý khi bị "loạn" tên đường

Trùng, rồi đặt sai tên nhân vật lịch sử đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, thì hiện nay còn xuất hiện thêm tình trạng tự ý đặt, gắn bảng tên đường không đúng thẩm quyền.

Phiền toái tìm địa chỉ vì nhiều đường trùng tên

Tại TP. HCM, tình trạng trùng tên đang gây ra nhiều phiền toái cho cư dân và du khách. Ví dụ, đường Trần Khắc Chân ở quận 1 trùng tên với một tuyến đường khác ở quận Phú Nhuận. Tương tự, đường Ký Con có ở cả quận 1 và Phú Nhuận.

Thậm chí, nhiều tên đường xuất hiện từ 3 - 5 ở các quận khác nhau như đường Lê Lai có ở quận 1, Tân Bình, Hóc Môn, Gò Vấp, đường Cao Thắng có ở quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận.

ten-duong-2-1726894365.jpg
Đường Chu Văn An tại quận Bình Thạnh

Một trường hợp hi hữu là đường Chu Văn An được đặt tên cho 3 tuyến đường khác nhau ở các quận 6, Tân Phú, TP. Thủ Đức và 2 tuyến khác ở quận Bình Thạnh. Sự trùng lặp tên này khiến việc tìm kiếm địa chỉ trở nên khó khăn, dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.

Anh Trần Văn Phương (50 tuổi, kỹ sư xây dựng, Đồng Nai) nhớ mãi lần trải nghiệm đầu tiên khi tìm kiếm địa chỉ đường Cô Giang.  Anh Phương kể, thời điểm đó là sau dịch Covid-19. Gia đình tôi tới TP. HCM để thăm người thân. Do chủ quan nên tài xế taxi chở từ sân bay thẳng đến khu vực chợ đông đúc thuộc đường Cô Giang (quận 1).

Thế nhưng, khi gọi điện hỏi địa chỉ số nhà từ người quen, anh ngớ người vì lúc này mới biết đúng tên đường nhưng sai quận. Địa chỉ chính xác nằm trên đường Cô Giang thuộc phường 2, quận Phú Nhuận. Hai tuyến đường này lại cách nhau 6 - 7km di chuyển nội thành. Việc này buộc gia đình anh phải bắt thêm taxi để tìm đúng địa chỉ.

Ngoài các tuyến đường lớn bị trùng tên, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (CEFURDS), TP.HCM hiện có hơn 300 đường trùng tên với tổng cộng 132 tên đường bị trùng lặp. Tuy nhiên, trùng tên đường chưa phải là vấn đề lớn nhất mà thành phố đang đối mặt.

ten-duong-1726894365.jpg
Tên đường bị đặt sai so với nhân vật lịch sử

Điều đáng lo ngại hơn là việc nhiều tuyến đường đã bị đặt sai tên so với nhân vật lịch sử. Tại quận 5, có tới 6 tuyến đường nằm trong danh sách 38 đường đặt sai tên. Sở Văn hóa - Thể thao đã đề nghị UBND TP. HCM xem xét việc đổi lại tên đường cho đúng với nhân vật lịch sử.

Cụ thể, đường Lương Nhữ Học thực chất phải là Lương Như Hộc, đường Nguyễn Duy Dương phải đổi thành Võ Duy Dương. Ngoài ra, đường Ký Hòa cần chỉnh lại thành Chí Hòa, Hà Tôn Quyền thành Hà Tông Quyền, Phan Phú Tiên thành Phan Phu Tiên và Trần Nhân Tôn đổi thành Trần Nhân Tông.

Không chỉ sai tên các nhân vật lịch sử Việt Nam, một số đường mang tên nhân vật quốc tế cũng bị đặt sai. Đường Raymondienne ở quận 7 lẽ ra phải được đặt theo tên Raymonde Dien, một người Pháp có công giúp đỡ Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp tái xâm lược.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất nhiều lần về việc sửa đổi những sai sót này, tình trạng tên đường sai vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chấn chỉnh việc tự ý đặt tên

Trùng tên, đặt sai tên nhân vật lịch sử đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, thì hiện nay còn xuất hiện thêm tình trạng tự ý đặt tên, gắn bảng tên đường không đúng thẩm quyền.

ten-duong-1-1726894365.jpg
Chính quyền địa phương từng tháo dỡ tấm biển tên đường Park Hang Seo tại TP. Thủ Đức (Ảnh: N.N.).

Điều này chủ yếu xảy ra tại các khu dân cư mới, Khu đô thị mới và các vùng ven thành phố, nơi hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện và còn thiếu sự quản lý chặt chẽ. Một số người dân và doanh nghiệp vì muốn tiện lợi trong việc chỉ dẫn địa chỉ, kinh doanh hoặc thậm chí do thiếu hiểu biết pháp luật, đã tự ý lắp đặt bảng tên đường theo ý mình.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức cùng các quận, huyện tăng cường quản lý việc đặt và đổi tên đường trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP. HCM thừa nhận hiện tượng tự ý đặt tên đường của một số tổ chức và cá nhân đã xuất hiện tại một số khu vực, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị.

TP. HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải kịp thời chấn chỉnh tình trạng này. Đồng thời, các sở, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định về đặt và đổi tên đường để người dân hiểu rõ và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và có giải pháp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng tự ý đặt tên, đổi tên và gắn bảng tên đường không đúng quy định. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng phải xác minh rõ trách nhiệm và báo cáo cụ thể với UBND TP. HCM để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện được giao nhiệm vụ lập danh sách các tuyến đường đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và có cư dân sinh sống ổn định để đề xuất đặt tên chính thức. Các địa phương phải rà soát và đề xuất bổ sung những tên nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử hoặc địa danh vào "Ngân hàng tên đường và công trình công cộng" của thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc đặt và đổi tên đường. Quy trình này bao gồm việc bổ sung các tên nhân vật và sự kiện lịch sử vào ngân hàng tên đường, đảm bảo tính hợp lý và lịch sử.

Theo quy chế hiện hành, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đặt và đổi tên đường, phố cũng như các công trình công cộng có quy mô lớn và ý nghĩa quan trọng. UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ thành lập Hội đồng tư vấn về đặt, đổi tên đường, đảm nhận việc nghiên cứu và xác lập ngân hàng tên đường, lập danh sách các công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên, và lấy ý kiến từ các cơ quan chuyên môn và các tổ chức có liên quan.

Ngoài ra, quá trình đặt và đổi tên đường cần được công bố công khai để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến trước khi HĐND tỉnh, thành phố đưa ra quyết định chính thức.