Chủ quán cà phê Fringer and Ginge ở Canterbury (Anh Quốc) là Alfie Edwards đã phải đưa ra một quyết định gây tranh cãi: Cấm khách mang laptop đến làm việc. Nguyên nhân được người này giải thích là, kể từ khi quán được mở từ tháng 7/2020 đến nay, thường xuyên trong tình trạng kín khách nhưng doanh số không đáng kể, nhiều khách chỉ gọi một ly nước rồi chiếm chỗ làm việc online trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí yêu cầu quán tắt nhạc và các khách hàng khác giữ im lặng để họ có thể họp trực tuyến.
“Chúng tôi đã có một số trải nghiệm thực sự tồi tệ với mọi người, chẳng hạn như khách yêu cầu tắt nhạc để họ có thể thực hiện các cuộc họp Zoom. Chúng tôi được yêu cầu im lặng, họ nói rằng có quá nhiều tiếng ồn. Sau đó, chúng tôi gần như đã hiểu ra - vấn đề không phải như vậy...", chủ quán cho biết.
Sau rất nhiều bàn luận, Alfie Edwards cùng người bạn đồng sáng lập là Olivia Walsh đã thống nhất phải thay đổi để cứu vãn doanh số. Họ cho rằng, những khách hàng muốn làm việc với máy tính nên tìm đến thư viện hoặc thuê không gian riêng. Quán cà phê vốn là nơi để mọi người có thể thư giãn và giao lưu nên việc buộc người khác im lặng là không phù hợp.
Trước đó, một quán cà phê có tên Lane Café ở Belsize Park, phía bắc London (Anh), cũng đã cấm máy tính xách tay vào cuối tuần từ năm 2019 sau khi khách hàng phàn nàn rằng không có đủ chỗ để ngồi vào bàn.
Mặc dù gây tranh cãi khá nhiều, nhưng hiệu quả của lệnh “cấm” đã được chứng minh ngay sau đó. Khách hàng trò chuyện với nhau nhiều hơn, kết nối người với người nhiều hơn. Quán cà phê của họ cũng đã trở thành một địa điểm để kết nối cộng đồng, đem lại không gian thư giãn và kết nối đích thực của người dân trong khu vực.
“Ở đây, chúng tôi mới nhận ra rằng mình muốn lấy lại lòng hiếu khách, cống hiến hết mình để phục vụ mọi người và để họ có trải nghiệm thú vị”, Alfie Edwards chia sẻ thêm.
Việc mang laptop đến các quán cà phê để làm việc cũng là vấn đề gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng Việt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này thuộc về quyền của khách hàng khi muốn thưởng thức một đồ uống theo ý thích mà vẫn có thể lướt web, xử lý công việc, đặc biệt cần thiết với những người bận rộn. Tuy nhiên, cũng nhiều người có phản ứng mạnh đối với việc bị yêu cầu im lặng hay có thái độ khó chịu của những khách hàng “ôm lap” khi trót trò chuyện lớn tiếng với bạn bè.
“Thực tế, hiện nay cũng đã có nhiều quán cà phê được thiết kế chuyên để phục vụ cho những khách hàng có nhu cầu làm việc, học tập online, có không gian yên tĩnh, thư giãn,… nếu bạn cần làm việc trên laptop mà vẫn được trải nghiệm quá xá, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những quán hàng này. Khi thiết kế ban đầu, chủ quán cũng đã tính tới những yếu tố này nên không phải quá lo ngại. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù, giá cả đồ uống ở đây chắc cũng sẽ khác với các quán cà phê dành cho hầu hết mọi người”, Lâm Anh – một người trẻ có “thâm niên mài đũng quần ở quán cà phê” cho biết. Đây cũng là lựa chọn của nhiều người dùng hiện nay, nhằm tránh những tranh cãi không cần thiết có thể phát sinh.