Thêm nạn nhân bị thủng mũi khi làm đẹp: Những rủi ro khó lường ở các cơ sở thẩm mỹ "chui"

Gần đây ghi nhận nhiều sự cố từ các cơ sở thẩm mỹ "chui". Phần lớn các bệnh nhân đều có tâm lý muốn tiết kiệm chi phí và tin vào những lời mời gọi hấp dẫn trên mạng dẫn đến "tiền mất tật mang".

Biến chứng do cấy chỉ nâng mũi

Mới đây, một bệnh nhân nữ 25 tuổi (Hà Nội) đã phải nhập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và hoại tử ở mũi sau khi thực hiện phương pháp căng chỉ nâng mũi.

Bệnh nhân cho biết, cô được bạn bè giới thiệu đến một spa mà không tìm hiểu kỹ về uy tín của cơ sở này. Sau 3 tháng thực hiện căng chỉ, cô bắt đầu nhận thấy mũi sưng tấy, đỏ, mưng mủ và bị thủng. Không chỉ vậy, sống mũi cũng lộ ra các sợi chỉ, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi bệnh nhân liên lạc với spa thực hiện dịch vụ, không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

tham-my-1734742893.jpg
Bác sĩ đã tiến hành xử lý ổ áp xe và tháo nhiều sợi chỉ ra khỏi mũi

Các bác sĩ tại Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành xử lý ổ áp xe và tháo khoảng 15 sợi chỉ ra khỏi mũi. Tuy nhiên, do thời gian căng chỉ kéo dài tới 3 tháng, các sợi chỉ đã bị ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn quá lâu khiến chúng bị vỡ và mủ chảy ra ngoài. Trong quá trình điều trị viêm nhiễm, không thể tránh khỏi khả năng để lại sẹo không thẩm mỹ. Dù vậy, bác sĩ vẫn phải đảm bảo loại bỏ hoàn toàn dị vật và ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng.

Căng chỉ mũi là phương pháp sử dụng sợi chỉ y khoa để nâng cao sống mũi, tạo dáng mũi thẳng và cao hơn. Các sợi chỉ này được làm từ chất liệu tự tiêu hoặc không tiêu, giúp kích thích collagen, tạo hiệu ứng căng da và nâng mũi. Phương pháp này được nhiều người ưa chuộng vì tính nhanh chóng, tiện lợi và ít xâm lấn. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được công nhận và đã gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng gần đây như mũi bị nghiêng, vẹo sống mũi, bao xơ dày lộ sóng, hoặc thủng mũi.

Bác sĩ Ngô Gia Tiến - Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, biến chứng do căng chỉ gây nhiễm trùng có thể rất nguy hiểm. Vụ việc trên là một lời cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ tiềm ẩn từ phương pháp này mà mọi người cần hết sức thận trọng khi lựa chọn. Khi gặp phải biến chứng, bệnh nhân đã rất hoảng loạn và đau đớn vì tình trạng kéo dài.

Dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo, nhưng thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố về nâng mũi. Trước vụ việc trên, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 44 tuổi trong tình trạng sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê do tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép. Rất may, các bác sĩ đã kịp thời cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Hay như vào ngày 21/10, một người phụ nữ đã đến Cơ sở MIN Beauty Academy (TP. HCM) để thực hiện phẫu thuật nâng mũi. Người thực hiện ca phẫu thuật là bà Đ.T.T.H. Sau khi được tiêm thuốc tê và tiến hành phẫu thuật, người này bắt đầu có biểu hiện khó thở nên được cơ sở chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Việt cấp cứu, sau đó tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Bệnh viện sau đó đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế.

Thanh tra Sở Y tế đã mời bà Đ.T.T.H. đến làm việc, nhưng bà đã không đến theo lịch hẹn, có dấu hiệu cố tình trốn tránh cơ quan chức năng. Thanh tra Sở Y tế sau đó phối hợp với các cơ quan chức năng TP. Thủ Đức tiến hành kiểm tra cơ sở. Tuy nhiên, cơ sở đã đóng cửa, không có người bên trong, không còn biển hiệu và chỉ có biển "MIN Beauty" treo trên cửa khóa.

Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ "chui" gây tai biến tại TP. HCM

Nguy cơ từ cơ sở thẩm mỹ “chui”

Cứ mỗi dịp gần Tết, nhu cầu làm đẹp của người dân lại tăng cao, cùng với đó các ca biến chứng phải nhập viện cũng tăng. Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nơi đây thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng do làm đẹp tại các cơ sở không có giấy phép. Bệnh nhân chủ yếu gặp phải tình trạng hoại tử mũi, môi, cằm, ngực, mông do tiêm filler nâng ngực, nâng mông, tạo dáng mũi cao, làm cằm thon gọn, tạo môi căng mọng hoặc trẻ hóa khuôn mặt.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu làm đẹp của người dân cũng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều spa và thẩm mỹ viện đã ra đời. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở uy tín, có giấy phép hoạt động và đội ngũ chuyên môn cao, vẫn tồn tại nhiều cơ sở "chui", nơi người thực hiện các thủ thuật không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn y tế nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ.

Do đó, nguy cơ xảy ra các tai biến thẩm mỹ là rất cao. Các cơ sở y tế gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ do hậu quả từ các spa "chui", phần lớn liên quan đến tâm lý muốn tiết kiệm chi phí và tin vào những lời mời gọi hấp dẫn trên mạng, khiến người dân phải "tiền mất tật mang". Trong số các bệnh nhân nhập viện vì biến chứng thẩm mỹ, số ca gặp phải tai biến do tiêm filler chiếm tỷ lệ khá lớn.

Nhiều chuyên gia y tế đánh giá, tình trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau: Thứ nhất, nhiều cơ sở vì mục đích lợi nhuận đã không tuân thủ hoặc cố tình vi phạm pháp luật. Thứ hai, năng lực của người hành nghề và khả năng quản lý của các cơ sở thường không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến rủi ro cho khách hàng.

Thứ ba, mạng xã hội, với mặt trái của nó, đã tạo ra tình trạng thông tin không được kiểm chứng, khiến người dân dễ bị lừa đảo và trục lợi. Thứ tư, việc đào tạo và dạy nghề "chui" cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng số lượng cơ sở thẩm mỹ không phép, hoạt động "chui". Cuối cùng, quy định pháp luật hiện hành còn nhiều khoảng trống, chưa phù hợp với thực tế, và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ như nâng mũi, nâng ngực, đảm bảo cơ sở đó có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động hợp lệ, đồng thời kiểm tra uy tín của cơ sở. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.