Tai biến thẩm mỹ nhiều do mua bán vật tư y tế quá dễ dàng

Cô gái 18 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương sau khi được bạn trai tiêm filler tại nhà. Bác sĩ đánh giá, mắt phải của bệnh nhân mất thị lực, khó hồi phục về bình thường.

Suýt mù vì tự tiêm filler tại nhà

Mới đây, Bệnh viện Trưng Vương (TP. HCM) đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 18 tuổi đến cấp cứu sau tiêm filler làm đẹp. Cô gái cho biết, bạn trai không phải là bác sĩ, nhưng đã tự học tiêm filler, rồi mua về tiêm cho cô. Khi xảy ra sự cố, người này đã tiêm thuốc giải cho cô nhưng không hiệu quả.

Tại Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ đánh giá mắt phải của bệnh nhân mất thị lực, khó hồi phục về bình thường. Người bệnh được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, giúp giảm phù nề.

tiem-filler-1724719429.png
Biến chứng nguy hiểm do tự tiêm filler tại nhà

Bệnh viện Da Liễu TP. HCM cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị sụp mi, nhìn mờ, xuất huyết dưới da mi mắt sau 10 tiếng được em họ tiêm filler tại nhà. May mắn, nhờ xử trí kịp thời, nữ bệnh nhân này đã phục hồi được thị lực.

Đã có rất nhiều trường hợp gặp biến chứng tương tự khi tự tiêm filler làm đẹp tại nhà hay các cơ sở spa thực hiện trái phép. Năm 2023, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân N.V.H (21 tuổi, Đồng Nai) được chuyển đến từ Bệnh viện Nhân dân 115. Anh N.V.H đã thực hiện tiêm filler phong thủy vùng mũi tại địa chỉ bán bánh mì và xôi thuộc địa bàn quận 10 (TP. HCM). Sau khi tiêm 5 phút, anh N.V.H xuất hiện triệu chứng đau đầu kèm nôn ói, đau mắt phải, nhìn mờ, chóng mặt nên được đưa đi cấp cứu.

Trước đó, năm 2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.H (20 tuổi, đến từ Bắc Ninh) cấp cứu vì mù mắt sau tiêm filler tại spa. PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau đớn, hoảng loạn, da mũi mi mắt trái nhợt, lạnh kèm các chấm tím đen nhỏ trên. Mắt trái không còn nhìn thấy gì chỉ duy nhất phân biệt được sáng tối, sụp mi trái toàn bộ, các cơ vận động nhãn cầu tê liệt hoàn toàn.

Thời gian qua, tình trạng các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai biến sau tiêm chất làm đầy, botox ngày càng gia tăng. Trong đó, filler được dùng để làm đầy các khiếm khuyết cơ thể, còn botox dùng để xóa nhăn.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP. HCM cho biết, trong số khoảng 200 - 500 bệnh nhân đến khám vì tai biến thẩm mỹ mỗi năm, khoảng 70% liên quan thủ thuật tiêm chích. Phần lớn trường hợp tai biến do thực hiện từ spa, thẩm mỹ viện chưa được cấp phép, người thực hiện không phải bác sĩ thẩm mỹ, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân thường dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng...

tiem-filler-1-1724719429.jpg
Nữ bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tai biến thẩm mỹ nhiều do mua bán vật tư y tế quá dễ dàng

Tại Việt Nam, Bộ Y tế quy định chỉ các bác sĩ chuyên ngành da liễu hoặc tạo hình thẩm mỹ, đã qua đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy, mới được phép thực hiện thủ thuật này. Các cơ sở thực hiện cũng phải được cấp phép hoạt động.

Việc tiêm chất làm đầy sai kỹ thuật hoặc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tổn thương vĩnh viễn các chức năng cơ thể, thậm chí tử vong.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho rằng việc mua bán vật tư và thiết bị y tế quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các tai biến thẩm mỹ gần đây. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường quản lý các sản phẩm thuốc, vật tư, trang thiết bị liên quan đến thẩm mỹ.

Ông Thượng cho hay, chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa như filler, botox là đã có thể mua hàng và giao tận nhà. Các sản phẩm này hiện được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế, không được quản lý nghiêm ngặt như thuốc, dẫn đến tình trạng mua bán tràn lan. Trên các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm filler và botox được rao bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhấn mạnh, các sản phẩm thẩm mỹ cần được quản lý như thuốc kê đơn, không thể để tình trạng mua bán tràn lan dẫn đến những tai biến đáng tiếc. Ông cho biết, Sở đang kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hơn các sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ, bao gồm thuốc, vật tư và thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hoạt động thẩm mỹ ngày càng biến tướng, với nhiều "bác sĩ tay ngang" và cơ sở "núp bóng" gây tai biến cho bệnh nhân, TP. HCM sẽ siết chặt các quy định liên quan đến hành nghề thẩm mỹ, bao gồm cả việc cấp phép hành nghề chuyên khoa và thẩm định các cơ sở. Với những trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần, Sở Y tế sẽ chuyển hồ sơ sang Công an TP. HCM để xử lý