77% trường hợp tai biến thẩm mỹ liên quan đến các spa không đảm bảo chất lượng

Lãnh đạo Bệnh viện Da Liễu TP. HCM cho biết, có 77% bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đi làm đẹp tại spa trôi nổi không đảm bảo chất lượng, 13% thực hiện tại nhà. Nếu làm tại các cơ sở "chui", thiết bị không bảo đảm chất lượng, sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc… sẽ tăng nguy cơ biến chứng cho khách hàng.

6 giải pháp chấn chỉnh cơ sở thẩm mỹ

Thời gian qua, tại TP. HCM đã xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp tử vong. Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn, Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã giao Sở Y tế thành phố chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bệnh viện thẩm mỹ có dấu hiệu hoạt động sai phép, từng để xảy ra các tai biến y khoa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.

tham-my-1724310583.jpg
Một trường hợp sự cố thẩm mỹ khi tiêm filler (Ảnh: HL)

Tại hội nghị tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra vào sáng 22/8, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Hân - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP. HCM cũng đã đưa ra nhận định về tình trạng liên tiếp xảy ra sự cố thẩm mỹ.

Bác sĩ Hồ Văn Hân cho hay, việc các cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng quản lý của ngành Y tế nhưng lại hoạt động "lấn sân" là một thách thức lớn. Bởi bên cạnh những điểm tích cực trong cung cấp dịch vụ thẩm mỹ như sự tiến bộ trong công nghệ và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu làm đẹp gia tăng của người dân, phát triển "du lịch làm đẹp"… thì nhiều vấn đề cũng xảy ra. Đặc biệt, thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ "chui" gia tăng. Ngoài ra, còn có thực trạng quảng cáo trái phép, sai sự thật về làm đẹp trên mạng xã hội.

Nguyên nhân gốc rễ của sự cố thẩm mỹ là do các cơ sở vì lợi nhuận mà không tuân thủ, hoặc cố tình vi phạm pháp luật; năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chưa kiểm soát tốt; tình trạng đào tạo, dạy nghề "chui"…

Để chấn chỉnh tình trạng này, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đề nghị 6 giải pháp gồm: Một, kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Hai, các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận những trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ.

Ba, phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý đào tạo, dạy nghề. Bốn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh. Năm, phối hợp cùng Công an TP. HCM xử lý các vụ việc trọng điểm. Sáu, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý, thông qua tổ công tác đặc biệt.

Báo động tình trạng spa không đảm bảo chất lượng

Cũng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP. HCM cho hay, trường hợp sử dụng các thiết bị, sản phẩm không phù hợp và thực hiện sai kỹ thuật trong thẩm mỹ nội khoa có thể dẫn đến những biến chứng trầm trọng.

tham-my-1-1724310583.jpg
Tai biến thẩm mỹ có 69% ca liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% các ca liên quan thủ thuật laser và ánh sáng

Thống kê tại Bệnh viện Da Liễu TP. HCM, mỗi năm có 200 - 500 bệnh nhân gặp sự cố thẩm mỹ đến khám và điều trị. Trong đó, có 69% ca tai biến liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% các ca liên quan thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất...

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thủy, các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa rất đa dạng về mức độ, từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng thông thường như nổi nốt trên da, nám má… đến nhiễm trùng, xuất huyết dưới da, hoại tử, mù mắt… Đa số các thẩm mỹ nội khoa đến khám và xử lý kịp thời sẽ khôi phục hoàn toàn, nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy.

Lãnh đạo Bệnh viện Da Liễu TP. HCM cho biết, có 77% bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đi làm đẹp tại spa trôi nổi không đảm bảo chất lượng, 13% thực hiện tại nhà. Nếu làm tại các cơ sở "chui", thiết bị không bảo đảm chất lượng, sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc… sẽ tăng nguy cơ biến chứng cho khách hàng.

Đặc biệt, nếu người thực hiện không nắm vững kiến thức chuyên môn, các cấu trúc mạch máu sẽ dẫn đến điều trị sai cách, gây các hậu quả nặng nề. Chỉ 6,9% các ca tai biến thẩm mỹ do bác sĩ thực hiện. Nguyên nhân có thể do bác sĩ không đúng chuyên ngành, chưa được đào tạo đúng kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa", bác sĩ Thúy nói thêm.

Nguyên nhân cuối cùng gây tai biến là việc các cơ sở quảng cáo quá lố, sai sự thật để tạo sự tin tưởng của khách hàng. Bác sĩ Thúy đề xuất cần cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh qua các kênh truyền thông như bệnh viện, báo chí, để giúp người bệnh nâng cao nhận thức, tự bảo vệ trước những rủi ro khi thực hiện thẩm mỹ. Ngoài ra, với nhóm người hành nghề chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, cần tăng cường đào tạo, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học kỹ thuật.