Thêm vụ ngộ độc tập thể do bánh mì: Cần nâng cao quản lý và ý thức của người dân

PGS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, với số lượng quán ăn đường phố hiện nay rất lớn, việc kiểm soát toàn bộ là rất khó khăn, hoặc không đủ nhân lực để thực hiện. Vấn đề then chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Để đạt được điều này, cần phải có sự giáo dục ý thức với cả người bán và người mua.

Gần 400 người bị ngộ độc

Ngày 30/11, liên quan đến vụ ngộ độc tập thể nghi do ăn bánh mì, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố kết quả xét nghiệm các thực phẩm đầu vào tại tiệm bánh mì Cô Ba Bến Đình (số 6 đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP Vũng Tàu).

Theo kết quả xét nghiệm, các mẫu thực phẩm như thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, nước sốt thịt heo và rau sống ăn kèm đều bị phát hiện nhiễm vi khuẩn Salmonella. Các cơ quan chức năng xác định rằng các mẫu thực phẩm này không đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế về ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.

Tiệm bánh mì Cô Ba Bến Đình

Trước đó, từ tối 26/11, nhiều người sau khi ăn bánh mì hoặc xôi tại tiệm Cô Ba Bến Đình đã có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm. Tính đến 16 giờ ngày 29/11, hệ thống giám sát của Ngành Y tế ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 379 người. Đặc biệt, một trường hợp đã được ghi nhận tử vong.

Bánh mì là món ăn quen thuộc nhưng liên tiếp gần đây đã gây ra các vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng. Như vào tháng 8 vừa qua, 149 người tại Đồng Tháp đã phải nhập viện cấp cứu vì ăn phải bánh mì có pate bị nhiễm vi khuẩn salmonella.

Trước đó vào tháng 5, hơn 500 người tại Đồng Nai đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại tiệm Cô Băng (phường Xuân Bình, TP. Long Khánh). Vụ ngộ độc cũng ghi nhận có trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ngộ độc trong các vụ việc liên quan đến bánh mì gần đây không phải do vỏ bánh mì mà chính là do các loại nhân bên trong. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, các thành phần nhân bên trong mới là yếu tố nguy hiểm. Những thực phẩm có nguy cơ cao thường chứa nhiều chất đạm và chất béo, đặc biệt khi được chế biến sẵn và không được sử dụng ngay mà để trong môi trường nóng, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là thịt, chả, pate...

Người bán bánh mì thường để thịt, chả, pate... trong điều kiện nhiệt độ cao, nóng ẩm cả ngày, thậm chí qua đêm mà không bảo quản dưới 5°C như khuyến cáo. Chỉ cần vài chục phút, vi khuẩn đã có thể sinh sôi và gây ngộ độc.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vi khuẩn Salmonella thường được xác định là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc bánh mì hiện nay. Chúng có khả năng gây bệnh cho cả người và động vật, thường liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa.

Salmonella thường sống trong ruột của động vật và con người và được thải ra ngoài qua phân. Con người có nguy cơ nhiễm bệnh chủ yếu qua việc tiếp xúc với nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.

Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh, thói quen tiêu thụ thực phẩm sống, tái hoặc bảo quản không đúng cách vô tình làm cho những món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt trở thành nguồn lây nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu.

Nhân bánh mì không được bảo quản đúng có thể dễ dàng khiến vi khuẩn sinh sôi gây ra ngộc độc

Khó quản lý

Bánh mì được xem là món ăn đường phố phổ biến, đặc biệt là ở các đô thị Việt Nam. Nhưng thực trạng kinh doanh bánh mì hiện nay đang gây ra nhiều lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Những vụ ngộ độc gần đây không chỉ phản ánh tình trạng kinh doanh thiếu kiểm soát mà còn đặt ra bài toán khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa giá thành rẻ và chất lượng sản phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, các tiệm bánh mì thường là kinh doanh nhỏ lẻ, do đó công tác quản lý chủ yếu giao cho các quận, huyện. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên phối hợp kiểm tra và lấy mẫu bánh mì để xét nghiệm. Với các doanh nghiệp hoặc chuỗi cung cấp nguyên liệu cho người bán bánh mì, họ sẽ được thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đồng thời chịu sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn.

Thực tế, ở TP. HCM rất nhiều xe bánh mì với lượng bán ra mỗi ngày không nhiều nhưng nguy cơ ngộ độc vẫn lớn vì khâu bảo quản kém. Trong khi đó, những cửa hàng lớn bảo quản tốt hơn, nhưng nếu xảy ra vấn đề thì số lượng người bị ngộ độc sẽ lớn. Do đó, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM luôn tăng cường kiểm tra các kho chứa nguyên liệu và các đơn vị phân phối, vì các sản phẩm như thịt nguội, giò, chả, pate không chỉ được tiêu thụ mạnh cho bánh mì mà còn cả dịp Tết.

Bà Lan thông tin, đơn vị xác định ngoài kiểm tra tại các điểm bán, quan trọng là phải kiểm tra từ gốc, đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên liệu được an toàn. Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ ngày 30/11, đại diện Phòng Y tế TP. Thủ Đức (TP. HCM) cũng cho rằng, bánh mì có nguy cơ gây ngộ độc cao hơn so với các món ăn đã được nấu chín như bún, phở... Tuy nhiên, việc kinh doanh nhỏ lẻ và các xe đẩy bán di động khiến công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, với số lượng quán ăn đường phố hiện nay rất lớn, việc kiểm soát toàn bộ là rất khó khăn, hoặc thậm chí không đủ nhân lực để thực hiện. Vấn đề then chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Để đạt được điều này, cần phải có sự giáo dục ý thức đối với cả người bán và người mua.