Công an TP. HCM cho biết, thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) đã phối hợp Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM và ban giám hiệu các trường thực hiện quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên... tham gia giao thông đúng luật.
Tuần tra kiểm soát, xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông là chuyên đề được lực lượng cảnh sát giao thông TP. HCM thực hiện liên tục trong thời gian qua. Song song với việc tổ chức tuyên truyền tại trường, CSGT còn cho học sinh, phụ huynh ký cam kết không điều khiển xe trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi.
Lực lượng CSGT còn phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM lập danh sách học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông gửi về trường để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm.
Hiệu quả từ hoạt động này mang lại vô cùng tích cực khi tỷ lện học sinh đi xe máy trên 50 phân khối đã giảm mạnh. Thực tế ghi nhận, gần đây tình hình lưu thông trên đường ít gặp cảnh học sinh vi phạm luật giao thông, đi học bằng xe máy trên 50 phân khối, không đội nón bảo hiểm, xe máy chở 2 chở 3, phóng ào ào...
Nhiều trường cũng đã kiên quyết, mạnh tay hơn với tình trạng học sinh đi xe không đúng luật, chưa có bằng lái. Nhiều trường đã bố trí giáo viên giám sát ngay trước cổng trường để ghi nhận, xử lý, yêu cầu bãi giữ xe không nhận giữ xe máy phân khối lớn của học sinh.
Giáo viên còn thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình trạng học sinh tham gia giao thông không đúng luật... Tất cả các giải pháp trên đều nhằm mục đích giúp học sinh điều khiển phương tiện đến trường an toàn và đúng luật hơn.
Một khảo sát mới đây cho thấy, tại khối 10 và 11 của một số trường THPT trên địa bàn TP. HCM, nếu trước đây có khoảng 10 học sinh trong một lớp (45 - 50 em) đi xe máy trên 50 phân khối, thì sau khi nhà trường “mạnh tay”, con số này giảm xuống 1 - 2 em (những em này chủ yếu đi học thêm ở ngoài), thậm chí có lớp không còn em nào.
Cũng theo kết quả khảo sát này, hiện nay học sinh đến trường bằng phương tiện công cộng và phụ huynh đưa đón chiếm khoảng 50%, còn tự đi về bằng xe đạp, xe đạp/máy điện chiếm 50% còn lại.
Một số học sinh thừa nhận, khi công an và nhà trường “làm căng” thì lúc đầu có khó khăn về việc phụ huynh đưa đón, đi lại. Tuy nhiên, các em cho rằng nếu chịu khó cũng quen dần và hoan nghênh các biện pháp của nhà trường để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM mới đây cũng đã có công văn yêu cầu các trường không tổ chức giữ xe gắn máy, xe mô tô của học sinh khi không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi. Nhà trường cần có biện pháp xử lý, giáo dục học sinh khi vi phạm giao thông đúng theo quy định. Sở cũng đề nghị cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe học sinh không đúng quy định quanh khu vực các trường.
Nguyên nhân Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM đề nghị rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe học sinh quanh khu vực các trường là do nhà trường không nhận gửi xe trên 50 phân khối thì nhiều em vẫn tự tìm chỗ gửi gần trường. Từ đó dẫn đến tình trạng học sinh chạy xe máy khi chưa đủ tuổi không thể chấm dứt.
Điều đáng nói là trong khi đa số phụ huynh ủng hộ các quy định về an toàn giao thông cho học sinh của nhà trường thì cũng còn những phụ huynh thiếu hợp tác.
Phó hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú (TP. HCM) chia sẻ, có lần ông đứng kiểm tra và nhắc nhở học sinh tham gia giao thông trước cổng trường, ông thấy một phụ huynh chở con đến bằng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm cho con. Ông có nhắc nhở, nhưng vị phụ huynh này sừng sộ với ông. Người này cho rằng nhà trường không có quyền can thiệp vào việc đội mũ hay không của con em họ.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 14/12/2023 đến ngày 15/3/2024, CSGT TP. HCM đã lập biên bản xử phạt 539 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm giao thông.
Pháp luật nước ta quy định, học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lái xe máy có dung tích xi lanh từ 50 cc trở lên thì bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Phụ huynh là chủ xe mô tô, xe gắn máy cũng bị phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng vì giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển tham gia giao thông.