Lựa chọn đồ ăn nhanh
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 diễn ra mới đây, số liệu báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) ghi nhận, người dân thành phố sử dụng bình quân 8,5g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
HCDC đánh giá, quá trình đô thị hóa, lối sống ít vận động, nhận thức về dinh dưỡng hạn chế, sự mất cân đối trong chế độ ăn uống như tiêu thụ ít rau xanh, trái cây, thói quen ăn mặn, nhiều chất béo... đã góp phần gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì ở các lứa tuổi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Trong khi đó, kết quả từ Điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 cũng chỉ ra, một người Việt trưởng thành tiêu thụ trung bình 8,1 gram muối mỗi ngày. Mặc dù con số này đã giảm so với mức 9,4 gram năm 2015, nhưng vẫn còn khá cao.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ăn thừa muối ở Việt Nam chủ yếu đến từ thói quen cho muối và gia vị vào thực phẩm trong quá trình chế biến, nấu nướng, cũng như khi chấm, trộn gia vị trong bữa ăn. Đây là nguyên nhân chính khiến lượng muối tiêu thụ hàng ngày vượt mức khuyến cáo.
Ngoài ra còn một nguyên nhân khác nữa là xu hướng sử dụng thức ăn chế biến sẵn ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ. Hoàn thành công việc khi đã 8 giờ tối, Huỳnh Thanh Duy (quận 5, TP. HCM) vội vàng đặt món ăn qua ứng dụng giao hàng. Duy thường chọn những món ăn nhanh, dễ dàng và không quá tốn kém. Vì vừa học vừa làm, Duy thường xuyên đặt thức ăn bên ngoài, giúp tiết kiệm được cả chi phí và thời gian.
Duy chia sẻ, vì ở xa nhà nên mọi thứ cậu đều phải tự lo. Thời gian làm việc không cố định, nên cậu thường chọn đồ ăn nhanh cho tiện. Đôi khi tôi mua mì, miến đóng hộp, lúc lại chọn cơm hộp.
Tương tự như Duy, Phạm Thị Hồng Nhung (TP. Thủ Đức, TP. HCM) cũng thường xuyên ăn ngoài và đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng do công việc bận rộn. Nhung bảo, dù biết rằng thức ăn nhanh không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe, nhưng vì tiện lợi và phù hợp với khẩu vị nên cô vẫn thường xuyên sử dụng.
Theo một số nghiên cứu, hơn 90% người dân sống tại Hà Nội và TP. HCM cho biết thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh, chế biến sẵn. Cục Y tế dự phòng cho hay, xu hướng tiêu thụ nhiều các loại thức ăn nhanh là do sự tiện lợi, phục vụ nhanh, chi phí thấp và không mất thời gian chuẩn bị.

Nguy hại sức khỏe khi ăn mặn
Tiến sĩ Trần Quốc Bảo - Cục Y tế Dự phòng, cho biết mặc dù muối là một phần thiết yếu của cơ thể, nhưng ăn thừa muối lại gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Thêm vào đó, việc tiêu thụ muối quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Còn các chuyên gia từ Bệnh viện K cho hay, việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối và thói quen ăn mặn kéo dài là không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là yếu tố nguy cơ chính gây viêm mạn tính dạ dày và tạo ổ loét, có thể dẫn tới ung thư.
Muối thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn HP này, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Mặc dù không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều bị nhiễm vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nhất là khi ăn mặn.
Thói quen ăn mặn cũng dẫn đến tích tụ natri trong cơ thể, vượt quá khả năng loại bỏ của thận. Điều này dẫn đến hiện tượng giữ nước trong máu, khiến mạch máu co lại và làm tăng huyết áp. Khi áp lực máu tăng, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu dần gây cao huyết áp, đau tim và đột quỵ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, ăn mặn kéo dài cũng gây ức chế quá trình hấp thu và sử dụng canxi của cơ thể, dẫn đến loãng xương, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi và bệnh nhân tiểu đường. Những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc loãng xương nếu duy trì thói quen ăn mặn lâu dài.
Tiêu thụ nhiều muối cũng làm tăng áp lực lên thận, gây khó khăn trong việc lọc máu và ảnh hưởng đến chức năng thận. Hơn nữa, muối còn thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori, làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Việc duy trì chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là cao huyết áp, hiện đang xuất hiện nhiều ở những người dưới 40 tuổi. Với sức khỏe tốt, nhiều người không nhận thức được tác hại của ăn mặn. Vì vậy, việc thực hiện chế độ ăn giảm mặn càng sớm càng tốt là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe hiện tại và tương lai.