Bệnh án điện tử giúp người dân thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí

avatar
Ông Hoàng Khải cho biết, trước đây mỗi lần khám bệnh, ông phải đăng ký và khai báo thông tin cho nhân viên tiếp đón, rồi cầm tập bệnh án dày đi gặp bác sĩ. Nhưng từ khi bệnh viện chuyển sang bệnh án điện tử, ông chỉ cần lên thẳng phòng khám mà không phải mang theo tập giấy tờ cồng kềnh. Hơn nữa, trước ngày khám định kỳ, nhân viên của bệnh viện sẽ gọi điện nhắc ông đến đúng lịch hẹn.

Tiện lợi cho bệnh nhân

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc tăng cường chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh ưu tiên nguồn lực và khẩn trương thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, hoàn thành trước ngày 30/9.

Bệnh án điện tử được coi là một bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Lợi ích đầu tiên của bệnh án điện tử là giúp bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ như sổ y bạ, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, phim chụp, đơn thuốc…

benh-an-1-1742805979.jpg
Bệnh án điện tử là giúp bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ

Khi tái khám, bệnh nhân không cần mang theo hồ sơ bệnh án vì tất cả thông tin đã được lưu trữ trên hệ thống phần mềm. Đồng thời, người bệnh có thể đăng ký khám và nhận kết quả nhanh chóng, giảm thiểu thời gian chờ đợi và chủ động theo dõi quá trình điều trị.

Ông Hoàng Khải (Ba Đình, Hà Nội) cho biết thường đến khám tại Bệnh viện Hòe Nhai. Trước đây mỗi lần khám bệnh, ông phải đăng ký và khai báo thông tin cho nhân viên tiếp đón, sau đó cầm tập bệnh án dày đi gặp bác sĩ. Có lần giấy tờ trong bệnh án rơi ra và ông phải vất vả tìm lại.

Tuy nhiên, từ khi bệnh viện chuyển sang bệnh án điện tử, ông chỉ cần lên thẳng phòng khám mà không phải mang theo tập giấy tờ cồng kềnh. Hơn nữa, trước ngày khám định kỳ, nhân viên của bệnh viện sẽ gọi điện nhắc ông đến đúng lịch hẹn.

Bà Phạm Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) bị tiểu đường đã nhiều năm. Bà cho biết nhờ có bệnh án điện tử, việc khám chữa bệnh đã trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều. Ví dụ, khi đi chụp phim X-quang, bà không phải ngồi đợi trả phim và mang về cho bác sĩ nữa. Bà chỉ cần quay lại phòng khám ban đầu là có kết quả ngay. Khi về nhà, nếu có vấn đề gì trong quá trình điều trị, bà cũng có thể gọi điện hỏi bác sĩ.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh án điện tử giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian như có thể đăng ký lịch khám qua điện thoại hoặc ứng dụng di động, giảm thiểu thời gian chờ đợi tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử giúp tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý và quá trình điều trị của bệnh nhân được lưu trữ và quản lý trực tuyến. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế trong việc truy cập thông tin nhanh chóng, đồng thời giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Bệnh án điện tử còn góp phần tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Bệnh viện Bạch Mai đang lên kế hoạch triển khai kết nối liên thông dữ liệu với các bệnh viện tuyến tỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho bác sĩ và bệnh nhân.

Kết nối liên thông dữ liệu giúp việc chuyển tuyến bệnh nhân trở nên dễ dàng, đặc biệt là với các ca bệnh khó. Trong quá trình điều trị tại các tỉnh, bác sĩ Trung ương và bác sĩ địa phương có thể cùng theo dõi diễn biến bệnh, từ đó dễ dàng trao đổi và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Khi chuyển tuyến, bệnh nhân không cần phải mang theo tập hồ sơ bệnh án.

Lãnh đạo một bệnh viện đầu ngành còn ước tính, việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tại bệnh viện, do không phải in phim kết quả chẩn đoán hình ảnh, mà còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ việc giảm thiểu rác thải từ các phim chẩn đoán không còn sử dụng.

benh-an-1742805976.jpg
So với yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT, các bệnh viện vẫn chưa đạt được mục tiêu

Triển khai vẫn còn khó khăn

Theo đại diện Hội Tin học Y tế Việt Nam, hiện nay tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) và kết nối với bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định bảo hiểm y tế điện tử. Đã có 142 bệnh viện công lập và tư nhân trên cả nước đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Tuy nhiên, so với yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT, các bệnh viện vẫn chưa đạt được mục tiêu.

Đại diện Hội Tin học Y tế Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó có ba vấn đề chính. Thứ nhất, nhiều giám đốc và lãnh đạo bệnh viện chưa chủ động triển khai bệnh án điện tử, vẫn còn ỷ lại và trông chờ vào sự chỉ đạo từ các cơ quan quản lý cấp trên.

Thứ hai, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các bệnh viện chậm triển khai bệnh án điện tử theo quy định. Thứ ba, cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, đặc biệt là triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, chưa được hướng dẫn cụ thể và chưa có mục chi trong giá thành dịch vụ y tế.

Hiện tại, các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng công nghệ thông tin, điều này ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng chỉ thêm một nguyên khác nữa dẫn đến việc chậm triển khai do yếu tố con người, khi một số lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số, vẫn duy trì thói quen cũ. Một lý do khác là nếu triển khai bệnh án điện tử, mọi thông tin sẽ phải minh bạch hoàn toàn, đặc biệt khi có "vấn đề" về nghiệp vụ chưa chuẩn, vì bệnh án điện tử không thể sửa chữa mà sẽ lưu vết các lần sửa đổi.