Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có thể bị giới hạn số lần mua bán trong năm

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có thể phải đáp ứng các điều kiện về doanh thu, số lần mua bán trong 1 năm.

Tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, cơ quan soạn thảo cho biết, tại dự thảo Nghị định mới nhất đã quy định rõ điều kiện với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ về tổng doanh thu, số lần bán, chuyển nhượng trong 1 năm.

Trước đó, tại cuộc họp giữa tháng 6, nhiều chuyên gia đề xuất cần quy định rõ về doanh thu bán, cho thuê nhà đất trong một năm. Trước các ý kiến này, Phó thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp thu, nghiên cứu kỹ để có tiêu chí cụ thể theo doanh thu với cá nhân kinh doanh bất động sản.

bds-1696386347825353135082-216-56-924-1190-crop-16963863561942055067504-1719479340.jpg

Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có thể bị giới hạn số lần mua bán trong 1 năm.

Vào hồi tháng 3, tại dự thảo nghị định lần 1, Bộ Xây dựng đã đưa 3 phương án để xác định cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ. Trong đó có phương án nhận được nhiều sự quan tâm là trong một năm, cá nhân chỉ được bán, cho thuê từ 3-5 nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai; nếu quá số lượng này thì phải thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã bỏ tiêu chí xác định này. 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá việc làm rõ quy định, tiêu chí về cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ sẽ có tác động nhất định, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ đất, lướt sóng bất động sản. Bởi nếu những cá nhân có ý định “đầu cơ” một diện tích bất động sản lớn hay đầu tư xây dựng nhà ở, căn hộ để chuyển nhượng, cho thuê sẽ có phần dè chừng khi bị khống chế về các tiêu chí. 

Theo luật sư Trần Quốc Huy, Đoàn luật sư TP Hà Nội, đây là việc không dễ triển khai và cần cơ chế liên thông, kiểm soát giao dịch giữa nhiều cơ quan liên quan. Tuy nhiên, nếu làm được sẽ là cơ sở quan trọng để ngăn chặn các cá nhân kinh doanh bất động sản núp bóng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu bất động sản. 

Luật sư Huy cho rằng, để hạn chế hiện tượng đầu cơ thông qua quy định cụ thể về cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, bạn soạn thảo nên tập trung vào số lượng giao dịch trong 1 năm của cá nhân đó. Ông nhấn mạnh, đi kèm với theo dõi về số lượng, nên kiểm soát về diện tích đất, diện tích nhà ở, diện tích của công trình xây dựng.

18ff4f713b-54e0-44e1-b65c-3d51f082efc7-1719479315.png

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất tăng thuế với trường hợp “lướt sóng” bất động sản.

Cho quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, quan trọng nhất là phải có cơ chế đảm bảo các cá nhân kinh doanh đúng luật, mua bán, chuyển nhượng rõ ràng công khai và đóng thuế đầy đủ. 

Theo ông Thịnh, có thể xem xét nghiên cứu tăng thuế đối với trường hợp “lướt sóng”, mua hôm nay bán ngày mai. Tại một số quốc gia trên thế giới, họ áp dụng mức thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phụ thuộc vào tần suất giao dịch, thời gian mua bán lại. Nếu thời gian mua đi bán lại diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, ngược lại diễn ra chậm hơn thuế suất sẽ thấp hơn. 

Đơn cử như Singapore, quy định đất mua đi bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch, sau hai năm mức thuế còn 50% và sau ba năm là 25%. 

“Với những người mua bán kiếm lời cần kiểm soát bằng công cụ thuế bất động sản đang được Bộ Tài chính đề xuất xây dựng luật. Theo đó, những người bán bất động sản ngay sau khi mua sẽ chịu mức thuế cao hơn những người mua để ở hoặc ở một thời gian mới bán” - ông Thịnh cho biết.