Việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với các doanh nghiệp có nợ thuế đang trở thành một chủ đề nóng bỏng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế của các quốc gia.
Cấm xuất cảnh với người nợ thuế là biện pháp quản lý nghiêm khắc. Thay vì chỉ dựa vào các biện pháp kỷ luật truy thu, việc ngăn chặn lãnh đạo doanh nghiệp nợ thuế rời khỏi lãnh thổ quốc gia không chỉ là cách thức hiệu quả để thu hồi nợ thuế mà còn là sự can thiệp trước khi tình trạng nợ thuế trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế, không ít chủ doanh nghiệp ra sân bay mới phát hiện mình bị cấm xuất cảnh, trong khi đó số tiền nợ thuế rất ít ở, thậm chí chỉ vài trăm nghìn hoặc 1-2 triệu đồng. Thậm chí có những người bị thông báo cấm xuất cảnh mới “ngã ngửa” mình là… chủ doanh nghiệp.
Dư luận cho rằng, việc cấm xuất cảnh đối với các doanh nghiệp nợ thuế nhỏ cũng phải được thực hiện một cách cân bằng, tránh gây ra các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Đặc biệt, những trường hợp nợ thuế nhỏ thường do các lỗi nhỏ trong quản lý hoặc do khó khăn tài chính tạm thời mà không phải lỗi lớn hoặc có ý đồ trốn thuế. Do đó, việc áp dụng cấm xuất cảnh cần có sự linh hoạt và xem xét kỹ lưỡng để tránh cản trở đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp.
Phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) xoay quanh vấn đề này.
Gần đây, để tăng cường quản lý ngân sách, ngành tài chính đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế và ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế. Tuy vậy, không ít lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh chỉ với số tiền rất nhỏ, chưa tới 1 triệu đồng. Quan điểm của ông thế nào về điều này?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta sống thì phải thượng tôn pháp luật. Thuế là luật quan trọng nhất sau Hiến pháp, nên tất cả những gì quy định trong Luật Thuế phải được thực thi một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn và không nên có ngoại lệ.
Theo luật, việc nợ thuế sẽ bị các chế tài khác nhau, trong đó có việc cấm xuất cảnh. Điều này có nghĩa là dù có nợ một đồng thì ra đến cửa khẩu cũng không thể xuất cảnh được.
Trong thực tế, rất nhiều trường hợp nợ số tiền thuế rất nhỏ, chưa đến 1 triệu đồng nên không thể lấy lý do là khó khăn hay không biết để chây ỳ không nộp được. Đây là vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật.
Đã là quy định pháp luật thì chủ doanh nghiệp không thể viện cớ là không biết để trốn tránh nghĩa vụ thuế của mình. Trong khi, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế, còn cơ quan thuế chỉ là người đi kiểm tra. Nếu doanh nghiệp không nộp thì phải chịu chế tài của pháp luật. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện.
Thậm chí trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng cấm xuất cảnh. Bản thân doanh nghiệp chây ì, nghĩ là số tiền ít nên không nộp, cố tình coi thường luật pháp thôi.
Với nhiều quốc gia trên thế giới, họ có áp dụng biện pháp này để tăng cường thu thuế không? Thưa ông?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Như đã nói, với các quốc gia trên thế giới, luật về thuế đều có ý nghĩa quan trọng nên việc thực thi đều được xem là cốt yếu của luật. Ở các nước phát triển, việc cấm xuất cảnh với nợ thuế là bình thường, thậm chí chế tài về thuế thậm chí còn khắt khe hơn.
Ví dụ có một trường hợp, có người nợ thuế chỉ 6 USD trong quá trình mua bán tài sản, nhưng sau vài năm không thanh toán, số tiền phạt, tiền lãi tăng lên rất lớn, người này bị kê biên cả ngôi nhà giá trị cả trăm nghìn USD để xử lý thuế.
Theo ông, nên có giải pháp thế nào để vừa có hiệu quả trong việc thu thuế, lại vừa không quá cứng nhắc? Liệu có nên quy định một ngưỡng nợ phù hợp?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta đã áp dụng những biện pháp cứng rắn để tăng cường thu hồi nợ thuế, nhiều người sẽ hiểu hơn tầm quan trọng cũng như những hệ luỵ của việc nợ thuế. Qua đó, chủ doanh nghiệp sẽ có ý thức để rà soát kỹ hơn trong vấn đề nợ thuế. Đã là nợ thuế thì 1 đồng cũng là nợ và phải chịu chế tài của luật.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế, cơ quan thuế cần tăng cường áp dụng công nghệ số, ví dụ có thể quy định để doanh nghiệp có thể đóng thuế tại chỗ và cơ quan thuế đề xuất gỡ lệnh cấm xuất nhập cảnh cho chủ doanh nghiệp một cách nhanh gọn, thuận lợi.
Hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.