Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nửa đầu năm 2023 lừa đảo qua mạng tại Việt Nam tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022 và các hình thức, chiêu thức lừa đảo trong dịp cận Tết Nguyên đán có thể diễn biến phức tạp.
Ngay từ tháng 12/2023, Cục An toàn thông tin đã liên tục phát đi các cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến dịp cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan với các thông tin liên quan.
Chia sẻ mới đây với báo chí, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán, các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang có sự gia tăng đáng kể.
Lợi dụng tâm lý của người dân trong dịp giáp Tết, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng chiêu trò để tạo ra các “câu chuyện lừa đảo” ngày càng tinh vi, gắn với sự kiện, pháp nhân cụ thể để nạn nhân sập bẫy như: Đưa ra các chương trình “quà tặng, trúng thưởng Tết”, “khuyến mãi Tết”, “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ”… với những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường qua đó tiếp cận, chào mời người dân tham gia, mua hàng và chiếm đoạt tài sản.
Các hình thức lừa đảo phổ biến được nhắc tới bao gồm: hướng dẫn hỗ trợ mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, Shopee; vào các sàn xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng ảo… rồi dẫn dụ đầu tư và chiếm đoạt tài sản.
Hình thức lừa đảo như tuyển cộng tác viên làm online “việc nhẹ lương cao” như chạy quảng cáo, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng... cũng gia tăng nhanh chóng. Các đối tượng còn gọi điện, nhắn tin mời chào tham gia các “nhóm đầu tư thông minh”, “nhóm chuyên gia tài chính”, nhóm đầu tư chứng khoán quốc tế… Sau đó, chúng thao túng, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập để lừa tiền.
Bên cạnh đó, chiêu thức giả mua hàng Tết với số lượng lớn, sau đó sử dụng một số phần mềm tạo dựng biên lai thanh toán giả chuyển tiền rồi nhận hàng và nhanh chóng tẩu thoát cũng khá phổ biến, có thể gây ra thiệt hại lớn cho các nạn nhân.
Theo các chuyên gia, người dân nên đề cao tinh thần cảnh giác trước các lời mời gọi kiếm tiền cũng như quà tặng hấp dẫn từ các đối tượng, các nguồn không xác minh, không tin vào lời mời tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội. Chỉ tìm việc thông qua trung tâm giới thiệu việc làm của nhà trường, tổ chức chính trị xã hội… có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, nơi tuyển dụng phải có địa chỉ cụ thể. Đồng thời, không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết gửi hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội.
Ông Vũ Ngọc Sơn (giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS) cho biết, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng Internet hằng ngày thuộc tốp đầu thế giới, đặc biệt sau thời gian đại dịch COVID, sự phổ cập của giao dịch online và chuyển tiền online qua Internet banking đã khiến mạng Internet tại VN trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo khai thác.
Các cơ quan quản lý cần kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở không đảm bảo an ninh gây lộ lọt dữ liệu người dùng. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình bán và lưu hành SIM rác, thu hồi các tài khoản ngân hàng rác nhằm hạn chế công cụ của các đối tượng lừa đảo.
Các tổ chức, doanh nghiệp cần rà soát, đầu tư nghiêm túc cho các giải pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm cả biện pháp về quy chế, chính sách đến biện pháp về kỹ thuật.
Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu và cập nhật các thông tin, dấu hiệu nhận diện lừa đảo, nâng cao năng lực và kỹ năng an toàn khi tham gia Internet.
Theo báo cáo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) về thực trạng lừa đảo tại Việt Nam, cuộc khảo sát rộng rãi với sự tham gia của 1.063 người Việt Nam cho thấy có 55% bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết lừa đảo của họ, trong khi chỉ có 14% khiêm tốn thừa nhận hoàn toàn thiếu tự tin.
Báo cáo GASA cho hay người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động, với con số đáng kinh ngạc là 70% cho biết họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng một lần.
Theo sát là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%) chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5 là các kênh được khai thác nhiều nhất.