Chủ đầu tư dự án công viên Yên Sở xin điều chỉnh tiến độ và tăng vốn gần 30.000 tỷ

Dự án xây dựng công viên Yên Sở (Hà Nội) vừa được Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đề xuất kéo dài thời gian thực hiện tới năm 2030. Bên cạnh đó doanh nghiệp này cũng đề xuất tăng vốn đầu tư cho dự án lên 29.518 tỷ đồng.

Năm 2007, dự án xây dựng công viên Yên Sở được TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Thời điểm đó, dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015, nhưng cho tới nay nhiều hạng mục của công viên Yên Sở vẫn còn dang dở. Mới đây, chủ đầu tư là Công ty TNHH Gamuda Land đang xin điều chỉnh vốn và kéo dài thời gian thực hiện tới năm 2030.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án được điều chỉnh vốn lên 29.518 tỷ đồng, đội vốn hơn 15.800 tỷ đồng so với mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là khoảng 13.662 tỷ đồng. Ngoài ra, Gamuda Land Việt Nam cũng đề xuất giảm diện tích dự án từ 322,5ha xuống còn 297,2ha.

cong-vien-yen-so-1-1717300556.jpeg
Toàn cảnh công Viên Yên Sở nhìn từ trên cao (Ảnh: Gamuda Land)

Về thời gian thực hiện dự án, Gamuda Land đề xuất tiến độ thực hiện dự án và sơ bộ phân kỳ đầu tư. Cụ thể:

Giai đoạn 2010 – 2016 sẽ xây dựng công viên văn hóa, công viên truyền thống, khu cây xanh dịch vụ và hoàn thiện nốt công viên cây xanh khu A, nạo vét lòng hồ và kè hồ (tới nay đã thi công xong).

Giai đoạn từ 2016 – 2027 sẽ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại. Bên cạnh đó xây dựng hoàn chỉnh các công trình chức năng đô thị phía Nam đường Vành đai 3.

Giai đoạn 2026 – 2030 xây dựng khu đô thị phía Bắc đường Vành đai 3 với các tiện ích đô thị, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra sẽ xây dựng đồng bộ khu công viên Yên Sở và các khu còn lại.

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về dự án này. Bộ cho biết, tính tới thời điểm cuối năm 2023 công viên Yên Sở đã chậm tiến độ 8 năm so với kế hoạch.

cong-vien-yen-so-1717300423.jpg
Công viên Yên Sở là công viên do tư nhân đầu tư lớn nhất ở Hà Nội

Nguyên nhân chậm tiến độ tại dự án này được Bộ KH&ĐT lý giải, do chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất. Bên cạnh đó là do năng lực tổ chức thực hiện dự án và trách nhiệm của nhà đầu tư. Ngoài ra việc thay đổi quy hoạch của TP. Hà Nội cũng ảnh hưởng tới tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án; những thay đổi trong quy định của pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở; Tác động của dịch bệnh Covid-19.

Theo tìm hiểu, năm 2007, dự án đầu tư xây dựng công viên Yên Sở được UBND TP. Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, theo dạng giao đất cho nhà đầu tư thực hiện.

Việc xây dựng công viên Yên Sở nhằm mục tiêu tạo lập các công trình công cộng, dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi; đầu tư khách sạn, văn phòng cho thuê, TTTM, trung tâm hội nghị, thể thao và các dịch vụ liên quan.

cong-vien-yen-so-1-1717300673.jpg
Nhiều năm qua, công viên này trở thành điểm hẹn lý tưởng của các gia đình dịp cuối tuần. Tuy nhiên tổng thể dự án vẫn chưa được thi công hoàn thiện

Liên quan đến đề xuất tăng vốn của dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết, điều này là do thay đổi mô hình dự án và cập nhật giá trị quyết toán các hạng mục đã đầu tư của nhà đầu tư.

Hiện nay, ngoài công viên Yên Sở, Gamuda Land đang thực hiện 2 dự án khác là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (vốn chủ sở hữu cam kết hơn 752 tỷ đồng); Khu đô thị mới C2 - Gamuda Garden (vốn chủ sở hữu cam kết 2.152 tỷ đồng).

UBND TP. Hà Nội thông tin, theo báo cáo tài chính năm 2022 của chủ đầu tư, vốn chủ sở hữu là gần 7.200 tỷ đồng, do đó nguồn vốn còn lại để thực hiện công viên Yên Sở là 4.290 tỷ đồng (con số này lớn hơn vốn cam kết thực hiện dự án công viên Yên Sở).

Trước tình trạng vốn đầu tư dự án tăng quá lớn, Bộ Tài chính đã đề nghị TP. Hà Nội phối hợp với nhà đầu tư rà soát thuyết minh tính toán, đánh giá kỹ điều chỉnh vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế dự án sau điều chỉnh.

cong-vien-yen-so-2-1717300740.jpg
Gamuda Land đang đề xuất điều chỉnh tiến độ, vốn đầu tư dự án công viên Yên Sở (Ảnh: Tuổi trẻ Online)

Với sự việc này, Bộ KH&ĐT cũng nhận định, công viên Yên Sở điều chỉnh tăng vốn lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế xã hội và hiệu quả tài chính dự án. Tuy nhiên tới nay chủ đầu tư chưa có thuyết minh cụ thể các nội dung thay đổi quy mô dự án trước và sau khi điều chỉnh, đồng thời chưa có kế hoạch giải ngân cụ thể.

Để đảm bảo tính khả thi trong việc đầu tư vốn theo cam kết tiến độ dự án, Bộ KH&ĐT đề nghị TP. Hà Nội yêu cầu Gamuda Land lên phương án giải ngân, vay vốn.

Được biết, theo đề xuất mới nhất của Gamuda Land, với tổng số vốn xây dựng công viên Yên Sở được điều chỉnh 29.518 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ góp vốn 4..428 tỷ đồng, còn 25.090 tỷ đồng là vốn vay và huy động từ bên ngoài.