Dự án Summit Building (The Summit 216) nằm tại số 216 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, do Công ty CP Veracity đầu tư, mở bán từ năm 2020, nhưng chậm bàn giao nhiều năm. Hiện tại, dự án hoàn thiện phần xây thô, với mặt ngoài đã ốp kính. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án sẽ mở bán vào ngày 31/12 tới với giá dự kiến từ 70 triệu đồng/m² (giá các sàn bất động sản chào mời), tăng 20 triệu đồng/m² so với trước đây.
Đoạn trường “hồi sinh” dự án
Điều đáng nói từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2023, chủ đầu tư đã 4 lần thông báo lùi thời hạn bàn giao căn hộ, viện lý do dịch COVID-19 và “một số lý do khách quan”. Tháng 6/2023, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội lập Biên bản vi phạm hành chính số 03 đối với công ty vì chậm bàn giao công trình theo tiến độ phê duyệt, đồng thời ban hành Quyết định xử phạt số 28 với mức phạt 90 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, Veracity tiếp tục lỡ hẹn thêm 2 lần, gần nhất là ngày 18/9/2024, khi thông báo số 52 dời thời gian bàn giao căn hộ hoàn thiện sang đầu quý II/2025. Như vậy, từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2024, Veracity đã 6 lần trì hoãn bàn giao căn hộ. Lịch sử trễ hẹn dài đằng đẵng, cùng với chất lượng dự án vẫn là những gì đã có cách đây 4 năm nhưng giá bán lại tăng mạnh, khiến nhiều người nhận định, dự án sẽ khó thu hút được sự quan tâm của thị trường.
Thực tế, trước dự án Summit Building, một cái tên khác cũng của chủ đầu tư Veracity là DLC Complex (Harmony Square, Nguyễn Tuân) cũng rục rịch chào bán trở lại, nhưng đến nay, sau 2 tháng vẫn im ắng dù đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Nguyên nhân được xác định giá bá mới tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2020 – 2021.
Tương tự, dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Nam Từ Liêm) cũng dừng mở bán chỉ sau 1 tháng công bố vào tháng 8/2024, do giá sản phẩm bị đẩy lên 70-80 triệu đồng/m², gấp 2,5 lần so với giá rumor năm 2018. Thiết kế, nội thất lỗi thời và thiếu không gian xanh cũng khiến dự án khó thu hút khách hàng mục tiêu.
Tại quận Hà Đông, dự án The Charm An Hưng dù cất nóc từ tháng 3/2024 nhưng đến nay vẫn chưa công bố thời điểm mở bán. Việc đổi chủ và vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết là lý do chính khiến dự án này chưa thể ra mắt. Trong thời gian qua, nhiều dự án khác cũng có thông tin triển khai trở lại như Astral City (TP Thuận An, Bình Dương), dự án Hanoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), Khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hoà, Long An)….
Theo bản tin thị trường mới của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, cùng với sự phục hồi của thị trường, một số dự án bất động sản "bỏ hoang" đã được tái khởi động, đặc biệt là các dự án căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM, nơi giá căn hộ liên tục tăng cao. Do vậy, việc "hồi sinh" các dự án này vừa giúp chủ đầu tư có nguồn lực duy trì kinh doanh, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở đang tăng.
Cần nâng cao chất lượng thay vì lợi nhuận ngắn hạn
VARS cũng cho biết, việc tái khởi động các dự án đình trệ đang được thúc đẩy nhờ hỗ trợ từ Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân qua hoạt động M&A. Quy định mới buộc thu hồi đất sau 48 tháng "án binh bất động" mà không bồi hoàn cũng khiến các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Chính phủ đã điều chỉnh chính sách, như giảm thuế và nới lỏng quy định vay vốn, để khuyến khích triển khai dự án.
Tuy nhiên, VARS cho biết, việc tái khởi động các dự án này vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa thể chắc chắn sẽ thành công. Bởi lẽ, các dự án bỏ hoang lâu thường phải đối mặt với tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng, làm tăng chi phí phục hồi. Bên cạnh đó, chi phí tài chính phát sinh trong thời gian tạm dừng cũng làm "ăn mòn" toàn bộ lợi nhuận theo kế hoạch ban đầu.
Do đó, nhiều chủ đầu tư tái khởi động dự án và mở bán với giá mới cao gấp đôi so với giai đoạn trước để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu giá tăng mạnh trong khi chất lượng không được cải thiện, dự án sẽ khó thu hút khách hàng và nhanh chóng rơi vào tình trạng bế tắc.
“Dù vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, áp lực tài chính vẫn là rào cản lớn. Các dự án bị bỏ hoang lâu thường xuống cấp, dẫn đến chi phí phục hồi cao. Đồng thời, chi phí tài chính phát sinh trong thời gian dừng thi công đã làm cạn kiệt lợi nhuận theo kế hoạch ban đầu, buộc chủ đầu tư tăng giá bán khi mở bán lại để bù đắp”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết.
VARS cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang phục hồi, đơn vị này cho rằng Chính phủ cần tiếp tục cải thiện quy định pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, đồng thời thúc đẩy hợp tác công tư nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Về phía doanh nghiệp, cần tập trung nâng cao chất lượng dự án thay vì chỉ ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc tăng cường thông tin và dự báo thị trường sẽ giúp nhà đầu tư và người tiêu dùng có cái nhìn rõ ràng hơn, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.