TP.HCM: Đằng sau những dự án được "giải cứu" để tái khởi động

Dù nằm trong danh sách được "giải cứu" từ năm 2023 nhưng đến nay, nhiều dự án nhà ở tại TP.HCM vẫn chưa thể tái khởi động do phải chờ giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Theo thông tin từ Savills Việt Nam, trong quý III/2024, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP. HCM ghi nhận 4.871 căn, giảm 13% so với quý II/2024 và giảm 36% so với cùng kỳ do hàng tồn kho giảm và không có dự án mới mở bán.

Trong số này, có 799 căn đến từ các giai đoạn tiếp theo của 6 dự án giảm 30% so với quý II/2024. Căn hộ hạng B chiếm đa số với 60% thị phần, tiếp theo là hạng C với 38%, và hạng A chỉ chiếm 2%. Tổng tỷ trọng của phân khúc hạng A và B trong nguồn cung giảm từ 65% trong quý II xuống còn 62% trong quý III. Khu vực phía Đông (TP. Thủ Đức) chiếm 58% thị phần, tiếp đến là khu Tây (quận 6, Bình Tân) với 20%.

Nguồn cung mới từ dự án “giải cứu”

Đáng chú ý, trong tổng số 6 dự án cung cấp nguồn cung mới trong thời gian qua, có tới 5 dự án mở bán trở lại với 545 căn hộ sau khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ. Được biết, hồi tháng 5/2023, TP.HCM đã thành lập Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Đến nay, Tổ công tác đã xem xét giải quyết cho 30 dự án bất động sản và có 5 dự án được giải quyết hoàn toàn gồm The Metropole Thủ Thiêm; khu nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; khu chung cư và thương mại Metro Star (TP Thủ Đức); Celadon City của Công ty CP Gamuda Land. 

du-an-duoc-go-vuong-1728277038.jpg
Nhiều dự án được TP.HCM công bố "giải cứu" thành công

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tính đến năm 2019, toàn thành phố có 156 dự án bất động sản đang gặp khó khăn về pháp lý cần được tháo gỡ. Bên cạnh 5 dự án nói trên, trước đó, TP.HCM cũng công bố nhiều dự án khác được “giải cứu”.

Đơn cử, dự án 30,2ha phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) có tên thương mại The Water Bay với quy mô hơn 4.000 căn hộ cho Tập đoàn Novaland nhận chuyển nhượng của Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21. Hiện dự án đã xây xong một phần hầm móng. Một cái tên khác của Tập đoàn Novaland cũng nằm trong danh sách là Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1).

Trong danh sách còn có chung cư De La Sol (tên khác dự án Cửu Long) ở số 1 đường Tôn Thất Thuyết (phường 1, quận 4) do Capital Land làm chủ đầu tư với 870 căn hộ. Hay như Dự án tại phường Phước Long B (TP Thủ Đức) do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư, được giao đất từ tháng 6/2007 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong.

Cũng vào cuối tháng 3/2023, hai dự án nữa được UBND TP.HCM công bố gỡ vướng gồm dự án The Artemis II do Công ty CP Đầu tư HML (tiền thân là Công ty CP ACC Thăng Long) đầu tư tại địa chỉ 448 Nguyễn Tất Thành (quận 4); dự án Diamond Lotus Lakeview tại 96 Lũy Bán Bích (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) do Công ty TNHH Bất động sản Ngôi nhà xanh (thành viên của Phúc Khang Corporation) làm chủ đầu tư…

du-an-go-vuong-1-1728277028.jpg
Bên cạnh những dự án được tái khởi động vẫn còn nhiều dự án "bất động"

Được giải cứu nhưng vẫn bất động

Dù đã được công bố “giải cứu” nhưng hiện nay nhiều dự án vẫn chưa thể tái khởi động vì vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo đại diện Tập đoàn Novaland, trong 2 dự án thuộc sở hữu của đơn vị, mới chỉ có dự án Chung cư Cô Giang đã được tiến hành xây dựng, còn dự án The Water Bay vẫn chưa xong.

Theo đại diện Novaland, dự án này The Water Bay đã được đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó có 3.000 tỉ đồng cho chi phí xây dựng và lãi chậm thanh toán. Hiện, dự án đã hoàn tất hạ tầng kỹ thuật, xây dựng xong 1 lô nhà ở và phần móng cho 8 lô khác. Phần còn lại của dự án vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể nên chưa thể tiếp tục triển khai.

Tương tự, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, chủ dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, hiện dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng và bán hàng do vướng pháp lý, bất chấp việc được thông báo "giải cứu" trước đó. Đáng chú ý, đến tháng 5/2024, dự án vẫn nằm “bất động” khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, nhân sự giảm tới 70%, số còn lại chỉ làm việc 3 buổi/tuần.

Tương tự, dự án khu chung cư và thương mại Metro Star dù được công bố “giải cứu” hoàn toàn, nhưng tới nay vẫn bất động.  Lý giải nguyên nhân của việc "bất biến" trước động thái "giải cứu", hầu hết các chủ đầu tư đều cho biết gặp chung một tình trạng là đang chờ giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý nên chưa thể tiếp tục triển khai.