Chuyện chỉ có ở mùa Euro: Người bị quản chặt, người bị “đuổi khỏi nhà” vì bóng đá

Sau lần phấn khích hô quá to khiến cô con gái mới 5 tháng tuổi giật mình tỉnh dậy, gào khóc, anh Hà bị vợ “đuổi” ra ngoài xem bóng đá. Còn anh Đức lại bị vợ kiểm soát chi tiêu và giám sát toàn thời gian vì lo chồng tham gia cá độ.

Anh Trần Hoàng Hà (Đống Đa, Hà Nội) mê bóng đá nên từ khi Euro 2024 (Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024) đến giờ, anh chưa bỏ trận nào. Anh Hà cho biết, anh làm tự do nên có thể ngủ bù ban ngày, chứ bạn bè anh đi làm văn phòng thì phải lựa trận nào được nhận định hay mới xem. Bởi các trận đấu đều diễn ra vào khung nửa đêm, rạng sáng.

Tuy nhiên, anh Hà cho hay, mấy trận đầu anh được xem ở nhà, còn giờ muốn xem bóng đá anh phải ra quán cà phê. Vợ đã “đuổi” anh ra ngoài xem bóng đá sau lần anh phấn khích hô quá to khiến cô con gái mới 5 tháng tuổi giật mình tỉnh dậy, gào khóc. Anh Hà bảo, ra quán lúc đêm cũng bất tiện, còn tốn kém nhưng 4 năm mới có một mùa giải, ở quán không khí cũng khác hơn khi xem cùng nhiều người, được hò hét thoải mái.

euro-2-1719222461.jpg
Nhịp sống của nhiều gia đình đảo lộn khi mùa Euro bắt đầu

Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) không mê bóng đá nhưng ngày ngày vẫn phải xem. Anh Phong cho biết, vợ anh rất mê bóng đá, đặc biệt là đội tuyển Đức. Dù biết chồng không thích bóng đá nhưng vợ anh vẫn bắt xem cùng vì “xem một mình thì không vui”.

Để vợ hài lòng, anh Phong đành chấp nhận làm theo. Có những hôm phải xem trận đấu lúc 2h sáng, anh cảm thấy chán nản, mệt mỏi, mắt cứ díp lại nhưng vẫn phải cố gắng tập trung để còn hò reo, đáp lại lời vợ. Anh Phong bảo, cả tuần nay anh đến cơ quan trong tình trạng lờ đờ do thức khuya xem bóng đá. Tinh thần và cơ thể đều trở nên mệt mỏi.

Thức khuya, làm ồn là “chuyện thường ở huyện” mỗi mùa Euro hay World Cup. Những chuyện đó có thể làm xáo trộn một chút sinh hoạt thường ngày của gia đình nhưng khi mùa giải kết thúc, mọi hoạt động sẽ trở lại đúng quy luật. Tuy nhiên, có một vấn nạn mà mùa bóng đá cũng có là cá độ. Dù cá độ vẫn diễn ra thường nhật nhưng vào mùa Euro hay World Cup thì hoạt động mạnh mẽ hơn. Nhiều gia đình đã tan vỡ sau những trận cá độ này.

 Đó là lý do mà từ khi đầu mùa giải Euro 2024 đến giờ, chị Lê Thị Mai (Hải Phòng) luôn quản chặt và giám sát mọi chi tiêu của chồng. Mọi giao dịch qua tài khoản ngân hàng của chồng được chị cài đặt lại để báo về điện thoại mình. Giấy tờ nhà đất, xe cộ cũng được chị cất kỹ. Bạn bè của hai vợ chồng cũng được yêu cầu không cho chồng chị mượn tiền trong mọi trường hợp. Mỗi ngày, chị đưa cho chồng 150.000 đồng để ăn sáng, xăng xe và chè thuốc.

Chị Mai chia sẻ, chị phải làm thế vì hồi World Cup, chồng chị từng nợ cá độ gần 100 triệu đồng. Dù chồng chị đã hứa sẽ không tái phạm, mùa Euro năm nay chỉ xem vui nhưng chị Mai bảo “cẩn trọng không thừa”.

Anh Đặng Anh Đức (Nghệ An) không chỉ bị kiểm soát chi tiêu mà còn bị vợ giám sát toàn thời gian. Trước khi trận đấu đầu tiên của mùa Euro bắt đầu, anh được yêu cầu chỉ được rủ bạn bè đến nhà xem bóng đá. Tất cả các trận, vợ anh đều tham gia xem cùng.

Vợ anh Đức - chị Mai Hoa chia sẻ, chị cũng học nhiều từ ngữ cá độ như nhà cái, cửa trên, cửa dưới, tài - xỉu, chấp... phòng trường hợp chồng và bạn bè lén lút chơi. Thi thoảng chị còn nói ẩn ý "nếu mang nợ về nhà sẽ lập tức ly hôn" ngầm nhắc nhở chồng. Chị Hoa chia sẻ, sở dĩ chị phải kiểm soát chồng chặt như vậy vì anh Đức dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các cuộc cá độ cùng bạn bè. Nuôi con đã đủ mệt, nợ ngân hàng tiền xây nhà còn chưa trả thì không thể gánh thêm nợ cá độ bóng đá của chồng nữa.

euro-1719222181.jpg
Nhiều người chọn xem các trận đầu Euro 2024 tại quán cà phê (Ảnh: Lê Giang)

PGS.TS Đỗ Minh Cương - nguyên giảng viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, tâm lý quản thúc chồng mỗi khi có giải đấu bóng đá của các bà vợ là điều dễ hiểu, tránh gia đình phải gánh nợ liên quan đến cá độ. Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát quá cực đoan cũng có thể gây sự ức chế cho bạn đời, dẫn tới mâu thuẫn.

Như trường hợp của anh Đặng Anh Đức, bị vợ giám sát cả ngày khiến Đức Anh thấy xấu hổ với bạn bè. Không ít lần, anh Đức bị bạn bè nói bóng gió, từ chối qua nhà vì không thích bạn vợ quản thúc. Để tránh bạn bè khó xử hay nghe vợ than phiền, anh Đức chọn xem bóng đá một mình.

Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, để tránh ảnh hưởng đến kinh tế gia đình cũng như phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng nên thẳng thắn trao đổi. Người chồng nên chia sẻ đam mê bóng đá và tạo lòng tin với vợ. Còn người vợ cũng cần chia sẻ nỗi lo của bản thân và khuyên ngăn chồng nên đam mê có chừng mực, tránh những hành vi đổ đen, cá cược, ảnh hưởng đến vợ con.