Xuống đường dọn dẹp cây xanh
Sáng ngày 14/9, nhiều người nước ngoài đã tập trung tại các tuyến phố và vườn hoa ở trung tâm Hà Nội. Họ mang theo găng tay bảo hộ, phối hợp cùng lực lượng chức năng để cắt cành, dọn dẹp cây cối bị đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hoạt động này là sự phối hợp giữa Quận đoàn Hoàn Kiếm và một công ty kết nối du lịch. Những người nước ngoài tham gia bao gồm cả những cư dân định cư lâu năm tại Hà Nội và du khách quốc tế.
Johnny Harris - đã sinh sống tại Hà Nội 11 năm chia sẻ, anh cùng đội bóng của mình đã có mặt từ sớm để giúp đỡ dọn dẹp, mong muốn góp phần đưa thành phố trở lại trạng thái đẹp đẽ như trước. Cơn bão Yagi đã để lại nhiều thiệt hại cho Hà Nội. Anh sống ở đây, nên rất muốn đóng góp một chút gì đó cho thành phố.
Livy Nelson (33 tuổi, đến từ Anh) cho biết, cô tới Việt Nam du lịch đúng dịp bão đổ bộ. Lúc đó, cô đã rất lo lắng khi chứng kiến sức gió khủng khiếp của cơn bão. Ngay khi biết đến hoạt động dọn dẹp, cô đã đăng ký tham gia. Livy chia sẻ: “Hà Nội rất tốt với tôi, nên tôi muốn làm gì đó để đền đáp”.
Dự kiến, khoảng 200 tình nguyện viên nước ngoài sẽ tham gia hỗ trợ dọn dẹp tại các khu vực quanh quận Hoàn Kiếm trong hai ngày 14 và 15-9. Chị Vũ Thị Thái An, đại diện Tubudd - đơn vị tổ chức hoạt động, cho biết: "Chúng tôi không ngờ lượng người đăng ký lại đông như vậy. Các bạn làm việc rất nghiêm túc, không ai đến muộn và chỉ nghỉ trong giờ quy định".
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội tối 7/9 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều cây xanh bị gãy đổ, đường phố ngập lụt, và nhiều chung cư, nhà cao tầng bị hư hại. Ông Nguyễn Thế Công - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tính đến ngày 13/9, Hà Nội ghi nhận hơn 40.000 cây bị đổ và cành bị gãy. Con số này chưa phải là cuối cùng vì còn nhiều quận, huyện chưa có báo cáo đầy đủ.
Hỗ trợ bão lũ
Những ngày gần đây, hình ảnh Nathan Keers (người Anh) tham gia tiếp tế cho những gia đình bị cô lập do lũ tại Thái Nguyên được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. 7 năm trước, Nathan đến Hà Nội và nhanh chóng thấy yêu thành phố này bởi ẩm thực, phong cảnh cùng lối sống. Sau đó, Nathan phải lòng một cô gái Việt. Hai người nên duyên vợ chồng và đã có với nhau 2 cậu con trai.
Nathan chia sẻ, sức tàn phá kinh khủng của cơn bão Yagi khiến anh sốc, nhưng cũng thấy được sự đoàn kết, tương trợ nhau trong bão lũ của người Việt, kể cả người khó khăn cũng sẵn sàng giúp đỡ người khốn khó hơn. Ấn tượng và muốn được làm như vậy, Nathan đã tham hỗ trợ người dân vùng lũ Thái Nguyên.
Nathan kể, chuẩn bị xong 200 suất bánh mì, sữa, vợ chồng anh nóng ruột không ngủ được nên chạy xe đến huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên từ sáng sớm ngày 11/9. Lúc này, hàng chục tình nguyện viên đang đợi sẵn. Một nhóm đang nhặt rau, rang lạc, nấu cơm. Nhóm khác cùng anh gói nhu yếu phẩm để tiếp tế cho những gia đình bị cô lập do lũ.
Nước dâng ngang bụng, Nathan mặc áo mưa, mượn chiếc thuyền chất 200 suất đồ ăn cùng các tình nguyện viên lội vào phát cho các hộ dân ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Đến đoạn hẻm nước ngập đến cổ, họ không thể tiếp tục di chuyển. Nathan tình nguyện bơi vào.
Ở ngôi nhà hai tầng cuối hẻm, anh gọi lớn xem còn ai ở bên trong không. Người đàn ông chừng 60 tuổi bước xuống, ngạc nhiên khi nhận được cứu trợ từ một "anh Tây". Nathan bảo: "Nụ cười của ông ấy đã động viên tôi suốt ngày hôm đó". Trước khi trở về Hà Nội, Nathan Keers cùng vợ góp thêm tiền để mua 500kg gạo, mì, xà phòng và những mặt hàng khác cần thiết cho các gia đình vùng lũ.
Sáng 11/9, chị Tamara Hoffman (quốc tịch Nam Phi) chạy xe máy chở hai túi quần áo, 5 chăn bông, màn, khăn tắm, vật dụng y tế đến phường Quảng An, quận Tây Hồ để quyên góp.
Chị Tamara cho biết, những con người co ro đến nóc nhà và mất hết tài sản sau cơn lũ đã ám ảnh tôi", cô gái nói. "Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình nên tự thôi thúc làm điều gì đó cho họ".
Tamara đến Hà Nội lần đầu vào năm 2017 để du lịch 2 tuần. Sau đó, chị yêu cuộc sống và con người nơi đây nên đã chọn ở lại sinh sống, làm việc. Những lần bị ngã hoặc xe máy hết xăng, Tamara đều nhận được sự giúp đỡ của những người xa lạ. Điều này khiến chị ngày càng yêu văn hóa tương trợ nhau của người Việt.
Tamara từng trải qua nhiều cơn bão ở các quốc gia khác nhau nhưng chưa có cảm nhận nào đáng sợ như Yagi. Sau cơn bão, chị cùng vài người bạn của mình tham gia dọn cây đổ ở quận Tây Hồ. Chị nhận ra nhiều người nước ngoài đang ở Việt Nam sẵn sàng đóng góp, cứu trợ nạn nhân bão lũ nhưng gặp hạn chế về ngôn ngữ, phương tiện di chuyển nên chưa làm được.
Cô gái Nam Phi đã điền đơn làm tình nguyện ở Yên Bái. Tamara đang quyên góp dụng cụ học tập cho học sinh ở ngôi trường bị lũ quét và hỗ trợ nhân lực để xây dựng lại các lớp học. Tamara bộc bạch: "Tôi chỉ đang làm theo những gì người Việt đã đối xử với người nước ngoài chúng tôi, ấm áp và tử tế".
D.V (Tổng hợp)