Dự án “treo” - vấn nạn khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, xử lý thế nào?

Theo thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, hiện trên địa bàn có 712 dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, thực tế việc xử lý các dự án “treo”, bỏ hoang từ thập kỷ này sang thập kỷ khác… gây bức xúc dư luận vẫn là bài toán nan giải nhiều năm qua. 

Nhắc tới dự án "treo", không thể không kể đến con số hơn 700 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai ở Hà Nội, thậm chí có những dự án "treo bền vững" hàng thập kỷ. Thực trạng này đang trở thành một “vấn nạn” gây lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu thuế, nhếch nhác bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch. 

Trong số hàng trăm dự án tại Thủ đô, nhiều cái tên được nhắc đến như Dự án Khu nhà ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng sau hơn 15 năm vẫn chưa được triển khai; 

Dự án văn phòng Vicem Tower (quận Nam Từ Liêm) khởi công từ năm 2001. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm, phần thân công trình thì dự án “đắp chiếu” từ tháng 8/2015 đến nay.

Hay tại quận Hoàng Mai, Dự án Sky Garden Towers ở phố Định Công có tổng diện tích là 7.000m2 với quy mô 28 tầng và 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, 2 tầng hầm. Sau thời gian rầm rộ thi công vào tháng 12/2011, đến năm 2013, dự án xây được 8 tầng thô thì từ đó đến nay vẫn là khối nhà “bất động”.

du-an-5-1711861245.jpg
Dự án văn phòng Vicem Tower được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó. Tuy nhiên đến nay vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, không chỉ tại Hà Nội mà thực trạng này còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Vị Cục trưởng phân tích, nhiều dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc phát triển quá "nóng", thiếu tính toán đánh giá về hiệu quả của các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực cùng với những vướng mắc chồng chéo về thủ tục hành chính... đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình thực hiện dự án.

Để khắc phục hạn chế trên, theo ông Hải, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị, yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát tất cả các dự án gặp khó khăn về việc triển khai thực hiện trên địa bàn. Theo đó, thống kê các dự án để lãng phí đất đai, không người ở, không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...  Đồng thời, rà soát các dự án gặp rắc rối về thủ tục pháp lý để xử lý dứt điểm.

Đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các địa phương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra các dự án không sử dụng vốn ngân sách, dự án chậm sử dụng đất… Đặc biệt, cần đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện cam kết triển khai dự án đúng tiến độ và có kế hoạch, lộ trình khắc phục các vi phạm.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cũng đề nghị khẩn trương, chủ động tái cơ cấu lại sản phẩm bất động sản theo nhu cầu của thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá rẻ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là nhà ở xã hội. Đồng thời, thực hiện giảm giá bán, cho thuê bất động sản, giãn việc nộp tiền thuê của khách hàng, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để thu hồi vốn…

du-an-t2-1711860960.jpeg
Dự án chậm tiến độ không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai mà còn ảnh hưởng đến người dân trong vùng quy hoạch.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng dự án ở nhiều địa phương vẫn chậm triển khai, ì ạch… không chỉ làm khổ người dân mà còn làm lãng phí nguồn lực xã hội. Thực trạng này xảy ra một phần do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Bên cạnh đó, còn do thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng… kéo dài; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thị trường thay đổi. 

Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty luật ANVI) cũng khẳng định, câu chuyện các dự án “treo” hàng thập kỷ là vấn nạn đã diễn ra và tồn tại từ nhiều năm trước. Nó bắt nguồn từ những bất cập trong hệ thống luật, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. 

Từ đó, luật sư kiến nghị cần sửa từ gốc của vấn đề, đó là luật. Đầu tiên, cần thống nhất thời gian dự án được cấp phép, sau bao lâu không triển khai thì bị thu hồi. Sau đó, Quốc hội cần ban hành luật với chế tài cụ thể đối với các dự án quá hạn.

Theo đó, nếu dự án chậm lỗi do phía chính quyền, cần phải đền bù thiệt hại thỏa đáng cho người dân và chi phí cơ hội cho chủ đầu tư. Đồng thời, chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm là người phê duyệt, chứ không quy trách nhiệm về phía nhà nước một cách chung chung như hiện nay. Còn nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, cố tình chây ỳ thì phải xử phạt thật nặng, đền bù cho người dân, thậm chí yêu cầu khởi tố.