Cần gắn trách nhiệm nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cho các chủ đầu tư dự án

Đó là đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Ngày 19/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) do Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày.

Gắn nhiều trách nhiệm hơn cho các bên liên quan

Theo đó, dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, với những nội dung cơ bản như luật hóa và bổ sung quy định về hoạt động CNCH để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về PCCC đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, bên cạnh việc kế thừa, dự thảo luật đã đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tực về hoạt động phòng cháy; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu nhiều hơn các điều kiện về an toàn phòng cháy trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và cả công tác quản lý, cung ứng, sử dụng các thiết bị liên quan đến cháy nổ.

bo-truong-luong-tam-quang-1718798075.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Đồng thời, bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm các quy định nội dung, yêu cầu cụ thể đối với quy hoạch hạ tầng PCCC và mối quan hệ với các quy hoạch để đảm bảo các điều kiện về PCCC&CNCH.

Cùng với đó, phân loại rõ công trình cải tạo để có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.

Đặc biệt, cân nhắc quy định giao trách nhiệm tổ chức nghiệm thu về PCCC cho chủ đầu tư dự án, công trình và chủ phương tiện giao thông cơ giới. Tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới...

Song song nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện; nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện.

le-tan-toi-1718798115.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra

Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng đề xuất các quy định liên quan đến quá trình chữa cháy như các vấn đề của trụ nước, cho phép người chỉ huy chữa cháy được quyền cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy, quy định rõ ràng hơn về người chỉ huy CNCH…

Cần tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở kết hợp cho thuê

Góp ý thêm về những vấn đề liên quan đến PCCC, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, trong thời gian qua, việc Bộ Công an điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đã gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trình xây dựng đến giai đoạn nghiệm thu đưa vào sử dụng vẫn vướng. Do đó, cần quy định thêm khi lập điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư, khu cụm công nghiệp, thiết kế xây dựng mới, phương tiện giao thông cơ giới thì phải có giải pháp, thiết kế PCCC.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội riêng và cả nước nói chung liên tiếp xảy ra những vụ cháy để lại hậu quả nặng nề, thiệt hại cả về người và tài sản. Gần đây nhất, ngày 16/6, có 2 vụ cháy xảy ra tại Bắc Giang và Hà Nội khiến 7 người tử vong. Trước đó, vụ cháy ngày 24/5 tại ngôi nhà trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến 14 người tử vong, 6 người bị thương.

chay-1718798062.jpeg
Vụ cháy gần đây nhất khiến 4 người tử vong tại Định Công

Thống kê mới nhất của UBND TP.HCM cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024 toàn thành phố đã xảy ra 234 vụ cháy làm 10 người chết, 4 người bị thương. Con số từ Tổng cục Thống kê trước đó cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 1.555 vụ cháy.

Nhìn chung, các vụ cháy chủ yếu diễn ra tại các đô thị lớn, đô thị đang phát triển, tập trung tại loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như từ sự chủ quan, mất cảnh giác, không có kỹ năng thoát hiểm, thiết bị PCCC không đảm bảo, nơi cháy nằm sâu trong hẻm, xe chữa cháy khó tiếp cận…

Do vậy, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) góp ý, việc chuyển đổi công năng tại nhiều công trình nhà ở đã khiến cho việc khắc phục yêu cầu PCCC trở nên rất khó khăn, phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở và khu vực kinh doanh. Theo đó, có thể nghiên cứu tách thành điều khoản riêng quy định PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.