Ngõ nhỏ, nhà chật, nguy cơ cháy nổ cao, người dân vẫn không muốn chuyển khỏi phố cổ

Bất tiện, chật chội là vậy nhưng người dân phố cổ chưa từng có ý định chuyển đến nơi ở khác. Bởi họ đã quen nếp sống, nơi ở hiện tại dù có xuống cấp, thêm vào đó là sự thuận tiện cho việc làm ăn.

Tại Hà Nội, khi nói đến chỗ ăn ngon, nhiều người thường nghĩ ngay đến phố cổ. Tập trung nhiều địa chỉ ăn ngon, còn mang cho mình nét văn hóa đặc biệt của Thủ đô nên phố cổ luôn luôn tấp nập.Thế nhưng, trái với nhộn nhịp này, sâu trong các con ngõ nhỏ của phố cổ Hà Nội là không gian sống chật chội ẩm thấp của nhiều hộ gia đình.

Quận Hoàn Kiếm thống kê, trên địa bàn có hơn 1.000 con ngõ, ngách nhỏ. Hầu hết chúng đều rất hẹp, chỉ vừa đủ một người đi, quanh năm thiếu ánh nắng mặt trời.

pho-co-2-1718710915.jpg
Những con ngõ hẹp, sâu hun hút ở phố cổ (Ảnh: Lao động)

Chị Đinh Thị Lý (trú phố Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sinh ra và lớn lên ở phố cổ. Chị chia sẻ, sống ở phố cổ phải chấp nhận không gian nhỏ hẹp, bất tiện trong sinh hoạt như phải dùng chung nhà vệ sinh với nhiều gia đình. Muốn mua tủ lạnh cũng phải bàn bạc nhiều ngày. Tới khi mua được rồi, việc chuyển vào nhà cũng là vấn đề vì cửa quá nhỏ và khó chui lên.

Sống cùng con ngõ với nhà chị Lý, bà Lan bảo, không gian chật chội nên người dân phải tận dụng tối đa như biến lối đi thành nhà bếp, nơi để đồ đạc, thậm chí nhiều gia đình còn sử dụng làm nơi sinh hoạt chung của cả nhà.

Con ngõ nhỏ rộng chưa đến 1m ở số 6 Cửa Đông (Hoàn Kiếm) là lối đi chung của gần 10 hộ dân. Nhà cửa chật chội, các gia đình vẫn phải dùng chung nhà vệ sinh... Nằm sâu trong con ngõ hẹp này, căn nhà của gia đình ông Minh có diện tích chưa đầy 20m2. Ông Minh than thở, thật sự cuộc sống ở đây rất khổ. Không chỉ nhà ông, mà nhiều nhà hàng xóm đều đã cũ, dột và mỗi năm lại xuất hiện thêm nhiều vết nứt trên tường. Ngõ nhỏ, trẻ con không có chỗ chơi, còn người lớn không có không gian sinh hoạt.

Ông bảo, hầu hết các gia đình sinh sống tại đây hạn chế mời khách về nhà. Nếu gia đình có đám cưới, đám hỏi… thì đều phải thuê địa điểm tổ chức.

pho-co-4-1718710915.jfif
Không gian chật chội nên người dân phải tận dụng mọi khoảng trống (Ảnh: PLO)

Gia đình của bà Trần Thị Thương cư ngụ trong một con ngõ tại phố Hàng Chiếu. Căn nhà của bà chỉ rộng chưa tới 10m2, được cơi nới thêm 2 tầng, hiện là nơi sinh sống của 6 thành viên. Bà Thương cho biết, một vài ngôi nhà trong khu đã được tu sửa, xây dựng bằng bê tông chắc chắn, chứ nhiều nhà khác lát sàn gỗ nay đã mục nát, xuống cấp. Được thế này, bà đã thấy tốt hơn rất nhiều rồi.

Thế nhưng khi nhìn con ngõ dẫn vào nhà sâu hun hút, giữa trưa nắng gắt mà chỉ có vài tia nắng lọt vào, bà Trần Thị Thương lại thở dài. Bà bảo sống mấy chục năm ở đây, bà đã quen với con ngõ này tới mức nhắm mắt cũng đi hết được. Nhưng gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra khiến bà lo lắng vì con ngõ quá hẹp và sâu. Nhất là khi, các hộ xung quanh từng có cháy, may mắn phát hiện kịp nên không thiệt hại về người. Con ngõ này cũng có tới 20 hộ sinh sống.

Để phòng rủi ro, con bà đã trang bị bình cứu hỏa ở các phòng, tầng trên cùng cũng mở lối thoát hiểm, chuẩn bị sẵn thang dây. Trong tình huống khẩn cấp, các thành viên sẽ phá rào, trèo từ tầng 4 xuống.

Tại một con ngõ khác cũng trên phố Hàng Chiếu, bà Nguyễn Thị Phượng cùng chồng, con gái và cháu sống trong căn nhà chỉ rộng 9m2. Vợ chồng bà phải tạo thêm gác lửng làm chỗ ngủ. Khoảng trống dưới nhà được tận dụng làm phòng khách, bếp ăn và nơi chứa đồ. Nhà vệ sinh, chỗ tắm giặt buộc phải chung với bốn hộ khác ở cuối ngõ.

Cửa nhà sát con ngõ chỉ vừa một xe máy lách qua. Mỗi lần mưa lớn, nước lại tràn vào nhà dù có bậc chắn cao hơn 20cm. Bà Phượng bảo, sống trong ngõ còn có điểm bất tiện nữa là sóng điện thoại chập chờn, muốn gọi điện phải chạy ra đường. Tường lại sát vách chỉ cần hàng xóm to tiếng, tầng trên rơi đồ hay tiếng bước chân lúc nửa đêm cũng khiến bà giật mình, tỉnh ngủ.

pho-co-1718710915.jpg
Những con ngõ trong phố cổ chỉ vừa đủ một chiếc xe máy (Ảnh: VnEpress)

Bất tiện, chật chội là vậy nhưng người dân phố cổ chưa từng có ý định chuyển đến nơi ở khác. Nhiều người cho hay, cuộc sống ở trung tâm vẫn thuận tiện hơn rất nhiều so với việc ra ngoại vi thành phố.

Chị Đinh Thị Lý tâm sự, quán ăn đang buôn bán thuận lợi nên chị không có ý định chuyển đi, vì ở phố cổ đã quá quen thuộc, sang nơi ở mới không biết làm gì để có tiền nuôi con ăn học.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Nga - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhiều người chấp nhận sống ở phố cổ dù chật chội, ẩm thấp, bất tiện có thể do họ sinh ra và lớn lên tại môi trường này, lâu dần đã hình thành thói quen, lối sống và thuận tiện kinh doanh.

Từ năm 1998, UBND TP. Hà Nội đã có dự án di dân phố cổ. Đến năm 2013, Hà Nội phê duyệt đề án giãn dân với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, đề án vẫn chưa thể hoàn thành. Một trong những lý do là bởi người dân phố cổ đã quen nếp sống, nơi ở hiện tại dù có xuống cấp, thêm vào đó là sự thuận tiện cho việc làm ăn.