GS. Đặng Hùng Võ: Thuế là công cụ hữu hiệu để "hạ" các dự án "treo"

Theo GS. Đặng Hùng Võ, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc phạt tiền là phù hợp hơn cả. Ngân sách có thêm nguồn thu còn nhà đầu tư dự án “treo” xót tiền mà chủ động chuyển nhượng dự án cho người khác.

Theo số liệu của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, hiện còn 404/908 dự án, công trình không và chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.

Nhiều dự án treo bền vững

Tình trạng dự án treo không diễn ra chỉ ở một hay một vài địa phương mà đã tồn tại nhiều năm tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo quy định, một dự án được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai đã đề ra. Thế nhưng, có những dự án đã “ôm đất” 10 năm, 20 năm thậm chí còn lâu hơn.

Theo đó, không khó để điểm mặt những dự án “treo” bền vững này tại Hà Nội. Điển hình là dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) được phê duyệt từ năm 1995, có diện tích 51.300m2 với tổng vốn đầu tư là 240 triệu USD. Tiến độ dự kiến khi đó là trong vòng 8 năm, thời hạn dự án là 45 năm kể từ thời điểm được cấp phép đầu tư, nhưng đến nay, đã 29 năm trôi qua vẫn chưa hẹn ngày thực hiện.

Cũng chịu chung cảnh ngộ, Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, thương mại dịch vụ và nhà ở (V.I.C Tower, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) do liên doanh Công ty TNHH Phú Mỹ An – Hà Nội và Công ty TNHH thương mại hỗ trợ kiến thiết Miền Núi làm chủ đầu tư cũng nằm bất động gần 14 năm kể từ ngày được phê duyệt, vật liệu xây dựng hoen gỉ, xếp đống, cỏ dại mọc um tùm.

bo-hoang-dat-trong-1715879406.png

Không khó để tìm thấy một dự án "treo", bỏ hoang đất hàng thập kỷ tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước

Một trong những dự án “bất động” điển hình khác của Hà Nội phải kể đến dự án Khu đô thị sinh thái Đồng Mai (quận Hà Đông), sau gần 20 năm vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Hay như dự án Siêu thị Metro tai phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) được UBND thành phố phê duyệt năm 2005, nhưng đến nay, chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng gần 3ha đất vào năm 2007.

Tương tự Hà Nội, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, vấn đề dự án treo, quy hoạch treo thường xuyên được người dân nêu ra tại các buổi tiếp xúc cử tri. Chẳng hạn như dự án Khu đô thị Sing-Việt do Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư, được chấp thuận chủ trương từ năm 1997, nhưng đến nay, sau 27 năm vẫn chưa được thực hiện.

Được xem là dự án “treo” lâu đời nhất tại TP.HCM, Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được phê duyệt từ năm 1992 với quy mô 426ha. Trải qua nhiều thăng trầm, sau 32 năm dự án vẫn nằm im lìm, thành phố vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có Dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), nông trường An Hạ (huyện Bình Chánh), kênh Hàng Bàng, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, Khu đô thị Hiệp Phước…cũng nằm trên giấy trung bình 20 năm.

Hệ lụy để lại là cuộc sống của hàng triệu người dân, các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất  cũng bị “treo” theo dự án.

Cần thuốc "đặc trị"

Trước tình trạng nhiều dự án “treo bền vững” chưa có biện pháp giải quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đảnh mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà đất, quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý dứt điểm trình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án này  chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Về phía dư luận, hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần mạnh tay thu hồi những dự án “treo” để giải phóng nguồn lực đất đai, cải thiện đời sống người dân. Do đó, nhiều người kỳ vọng, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ tháo gỡ những nút thắt về pháp lý để “hạ” những dự án “treo” này.

Trước đó, Luật Đất đai 2013 cũng đã quy định về việc thu hồi đất nếu không thực hiện dự án, sau thời gian được gia hạn nhưng diện tích thu hồi được rất ít chỉ khoảng 4,04% diện tích quy hoạch, nhiều dự án vì chủ đầu tư không có khả năng tài chính, hoặc chờ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư khác.

gia-su-dang-hung-vo-1715879568.jpg

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, công cụ thuế là một trong những biện pháp hữu hiệu để "hạ" những dự án "treo" lâu năm

Tuy nhiên, giới chuyên giá đánh giá Luật Đất đai 2024 mới chỉ là “liều thuốc chữa lành” chứ chưa “đặc trị”. Bởi lẽ, không có quá nhiều thay đổi tại điều khoản về các trường hợp thu hồi đất vì dự án "treo", chỉ khác là thêm quy định “cởi trói” cho người dân sống trong vùng có dự án “treo”, là được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các trường hợp sau 3 năm dự án không triển khai.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án là phù hợp hơn cả. Ngân sách có thêm nguồn thu mà nhà đầu tư dự án bị “treo” tự “xót tiền” mà chủ động chuyển nhượng dự án cho người khác.

Đưa ra góc nhìn khác, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam cho biết, đất đai là một lĩnh vực phức tạp và luôn thay đổi cùng với quá trình phát triển của đất nước. Chính vì vậy, xử lý “dự án treo” không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, công tác này đã được quy định rõ trong luật, nhưng 20 năm qua vẫn chưa thể xử lý triệt để cho thấy, ngoài Luật Đất đai còn cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan và địa phương.