Kinh tế ban đêm là chỉ những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, gồm: Mua sắm tại các chợ đêm, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi 24/24, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, sự kiện, lễ hội, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Hà Nội là địa phương xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đêm, nổi bật như: Hoạt động đêm tại các khu phố đi bộ, tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò… Các sản phẩm tour đêm đã mang đến nhiều trải nghiệm đặc sắc cho du khách, tạo được nét riêng cho du lịch Hà Nội.
Là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, khai thác hoạt động kinh tế đêm là một đòi hỏi tất yếu đối với Hà Nội. Trước đây, các trung tâm thương mại hay quán ăn đêm tại Hà Nội chỉ mở cửa đến khoảng 22h, thì nay thời gian hoạt động đã kéo dài hơn rất nhiều. Ngoài ra, hàng loạt tour du lịch đêm, phố đi bộ đêm được đưa vào khai thác làm phong phú thêm sự lựa chọn của du khách.
Hoạt động hiệu quả của không gian phố đi bộ, tour du lịch đêm, kéo dài thêm thời gian hoạt động thương mại, dịch vụ là những thành công ban đầu của thành phố. Thế nên Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế đêm. Dù hiện nay thành phố đã có nhiều hoạt động du lịch đêm diễn ra sôi nổi nhưng vẫn cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù cho loại hoạt động này.
Điều này có thể thấy rõ trong Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong kết luận này, Hà Nội được yêu cầu tiếp tục rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, cùng với đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tại khu vực nội đô lịch sử, Bộ Chính trị lưu ý chỉnh trang, cải tạo đô thị theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa giá trị đất đai, di tích văn hóa - lịch sử, trụ sở cũ, khu phố cổ, các công trình kiến trúc Pháp để lại.
Mặt khác, cần gia tăng diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ bằng khai thác đồng bộ, hiệu quả không gian trên cao, mặt đất và không gian ngầm.
Hà Nội được giao nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, sôi động, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Đồng thời có năng lực cạnh tranh cao hơn so với những điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Đuống cũng được Bộ Chính trị định hướng, cùng với mục tiêu phát triển trục sông Hồng thành trung tâm phát triển của Thủ đô.
Bộ Chính trị còn lưu ý Hà Nội cần đẩy mạnh đột phá về kết cấu hạ tầng. Theo đó, Hà Nội cần ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các nút giao thông cửa ngõ, các đường vành đai, hệ thống cầu qua sông Hồng. Việc này nhằm giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, tăng cường kết nối.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh.
Hà Nội còn được yêu cầu xây dựng lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch, chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp lớn ra khỏi khu vực nội đô.
Ngoài ra, thành phố cần tính toán chuyển đổi công năng trụ sở của một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn nhằm ưu tiên xây dựng các bảo tàng, công viên cây xanh, không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng...
Bộ Chính trị nhận định, Thủ đô Hà Nội những năm qua luôn khẳng định vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.
Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hóa với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước, hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, quy hoạch cần có "tầm nhìn mới - tư duy mới", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại" cả trước mắt và lâu dài.