Hàng ngàn căn hộ bỏ hoang vẫn chưa được "đánh thức", do đâu?

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đến từ người dân bị thu hồi đất không muốn nhận nhà tái định cư, thì việc được thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn cũ dẫn đến không thể nghiệm thu cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hoang hóa” của nhiều dự án tái định cư.

Trong khi nhiều người dân đang thiếu chỗ ở thì nhiều khu tái định cư tại các thành phố lớn có tỷ lệ lấp đầy thấp, thậm chí không có người ở. Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại TP. HCM có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, trong đó riêng khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) có hơn 5.300 căn không có người ở, dự án Vĩnh Lộc B với hơn 2.000 căn. Tại Hà Nội, số căn tái định cư bỏ hoang khoảng 4.000 căn.

Nhiều dự án chưa đủ điều kiện nghiệm thu

Tuy nhiên, số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có 9 dự án tái định cư với gần 2.500 căn hộ. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành nghiệm thu nhưng chưa đưa vào sử dụng dù đã bố trí tái định cư và 7 dự án đang thi công xây dựng dở.

Cụ thể, 2 dự án đã hoàn thành là khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã bàn giao cho các hộ dân nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có ai về ở. Nguyên nhân do dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt.

Còn các dự án như khu tái định cư Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Khu đô thị mới Cầu Giấy, khu tái định cư phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), khu nhà ở tái định cư phường Xuân La (nhà B, quận Tây Hồ)…thuộc nhóm đang thi công xây dựng dang dở, chưa được nghiệm thu.

tai-dinh-cu-bo-hoang-1-1724839113.jpg
Trong khi người dân thiếu nhà ở thì tại các thành phố lớn lại có hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang

Trả lời Vietnamnet, ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn bộ quỹ nhà tại các dự án này đã được bố trí tái định cư phục vụ cho các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm.

Lý giải nguyên nhân các dự án chưa được nghiệm thu, ông Minh cho biết có rất nhiều khó khăn vướng mắc. Đơn cử, các căn hộ được bố trí cho các dự án có giải phóng mặt bằng nhưng do tiến độ dự án bị chậm, hoặc trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, khảo sát, các chủ đầu tư chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà.

Đặc biệt, các dự án này đều được thiết kế, thi công theo các tiêu chuẩn trước đây, đến nay các quy định về phòng cháy chữa cháy đã có nhiều thay đổi nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu. Có những dự án được sử dụng vào công tác phòng chống dịch thời Covid-19, nhưng đến nay Bộ tư lệnh Thủ đô vẫn chưa bàn giao lại cho chủ đầu tư để hoàn thiện các hạng mục còn lại để tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, UBND thành phố đã giao Sở Y tế chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô, các đơn vị có liên quan hoàn thành việc tiếp nhận bàn giao.

Khó có thể giải quyết trong ngắn hạn

Lâu nay, việc làm sao để “đánh thức” những khu nhà tái định cư bị bỏ hoang này cũng đã được giới chuyên gia “hiến kế” giải quyết, thậm chí Luật Nhà ở 2023 cũng đã cho phép được chuyển đổi công năng, trong đó phương án từ nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, những dự án tái định cư này đều đã được bố trí phục vụ cho các dự án giải phóng mặt bằng, nên nếu muốn chuyển đổi phải rà soát, đánh giá lại nhu cầu về nhà ở tái định cư, tham mưu, báo cáo UBND thành phố theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, còn một phương án khác là bán đấu giá thu hồi vốn.

tai-dinh-cu-bo-hoang-1-1724839172.jpg
TP. HCM đã từng 3 lần thất bại với việc đấu giá dự án tái định cư không người ở

Giới chuyên gia cho rằng, có nhiều cách để “đánh thức” những dự án này như chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội, cho thuê, hoặc đấu giá thu hồi vốn nhưng vấn đề đặt ra vẫn là cách thức thực hiện.

Hiện, gần 4.000 căn hộ tái định cư không người ở tại Thủ Thiêm (TP. HCM) đang được hoàn tất các thủ tục để đấu giá vào cuối năm nay. Giải pháp này đang được chờ đợi sẽ giúp tiêu thụ hơn 11.000 căn hộ, đất nền tái định cư bỏ trống suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, cũng với phương án này, TP. HCM đã có 3 lần thất bại trước đó.

Trong khi đó, với phương án chuyển đổi mục đích sử dụng lại chưa có quy định chi tiết nên chưa thể triển khai. Bởi đây là 2 loại hình nhà ở phục vụ đối tượng khác nhau nên quy trình thực hiện thủ tục pháp lý sẽ có nhiều sự khác biệt, khi chuyển đổi sẽ phức tạp, thậm chí nhiều khâu phải thực hiện lại từ đầu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc Công ty Ghome, nếu muốn chuyển đổi mô hình từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội sẽ phải can thiệp vào rất nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và một số luật khác. Quá trình này là rất phức tạp, không phải chỉ thực hiện ngày một ngày hai.