Khu đô thị mới rộng hơn 200ha chuẩn bị "hạ cánh" tại thành phố biển Phan Thiết

UBND tỉnh Bình Thuận vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ mới Hàm Tiến – Mũi Né (TP. Phan Thiết) với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng, quy mô dân số dự kiến khoảng 15.000 người.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ mới Hàm Tiến – Mũi Né (hay còn gọi là khu III).

Dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích hơn 218ha nằm hai bên đường Võ Nguyên Giáp, thuộc địa phận phường Phú Hài, Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết).

Khu đô thị mới này sẽ bố trí hơn 80ha quỹ đất ở để xây dựng nhà ở, đất nền để kinh doanh; xây NOXH; bố trí quỹ đất tái định cư. Dự kiến sẽ cung cấp nhà ở cho 15.000 người. Gần 29ha dành để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình thương mại – dịch vụ nhằm khai thác, chuyển nhượng hoặc cho thuê, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông.

khu-do-thi-moi-ham-tienmui-ne-1720500274.jpg
Khu vực sẽ triển khai đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (Ảnh: Việt Quốc - VnE)

Dự án thuộc trường hợp phải dành quỹ đất để phát triển NOXH tức là nằm trong khu vực đô thị loại II. Theo đó nhà đầu tư sẽ thực hiện xây dựng các công trình thương mại dịch vụ để bán, cho thuê, cho thuê mua, triển khai kinh doanh bất động sản theo quy định.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Trong đó, nhà đầu tư phải có phần vốn góp không thấp hơn 15% và vốn huy động tối đa là 85% tổng vốn đầu tư dự án.

Thời gian tới, Bình Thuận sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm lập phương án phân kỳ hoặc chân chia dự án thành phần, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính khả thi và phù hợp với quy hoạch.

UBND tỉnh Bình Thuận giao UBND TP. Phan Thiết phối hợp với Sở KH&ĐT để đánh giá kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng.

Mục tiêu xây dựng dự án nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với các khu nhà ở, nhà phố kết hợp thương mại dịch vụ đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống các công trình công cộng, công trình thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, công viên cây xanh, các công trình dịch vụ lưu trú, khách sạn… Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương; giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương; đồng thời, tạo động lực, thu hút vốn của các doanh nghiệp vào đầu tư tại TP. Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

bien-phan-thiet-1720499976.jpg
Bình Thuận đang ưu tiên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Được biết trong Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình thuận ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ quý 1/2023, Bình Thuận đón nhận dòng vốn kỷ lục với hơn 450.000 tỷ đồng tương đương 19 tỷ USD đến từ 22 dự án. Trong đó, thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất là các dự án du lịch nghỉ dưỡng giải trí.

Theo số liệu của Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2011 – 2023, địa phương này đã chấp thuận đầu tư 56 dự án du lịch ven biển. Nhiều dự án lớn xuất hiện tại đây như: NovaWorld Phan Thiết, Thanh Long Bay, APEC Mandala Wyndham Mũi Né, Mũi Né Summerland…

Gần đây, Bình Thuận chào đón Becamex IDC tới đầu tư dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hàm Tân - La Gi rộng 5.000ha với tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng; Công ty Cp Đầu tư Bất động sản Kiến Phát với dự án Khu đô thị du lịch, nghệ thuật, văn hóa và thể thao quy mô 45ha, tổng vốn gần tư gần 1.900 tỷ đồng.

Có quy mô lớn nhất phải kể tới Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu đô thị mới rộng hơn 5.000ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Mặt trời Bình Thuận làm chủ đầu tư. Vừa qua, dự án được UBND tỉnh Bình Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư và được kỳ vọng rất lớn trong tiến trình đưa ngành kinh tế xanh của địa phương này vươn tầm khu vực.