Khuyến cáo từ bác sĩ sau trường hợp nam thanh niên đột quỵ khi giác hơi tại nhà

Nguyên lý của liệu pháp giác hơi là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc chuyên dụng gắn trên da để sinh lực hút. Các chuyên gia y tế thường khuyến cáo tránh đặt cốc trên những vùng cơ thể có da và cơ mỏng, mạch máu đi nông nhằm tránh nguy cơ gây sang chấn mạch máu.

Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 đã điều trị thành công một ca đột quỵ sau khi giác hơi tại nhà. Theo đó, bệnh nhân là anh N.V.S (35 tuổi, ngụ TP. HCM), nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt hoàn toàn nửa người phải.

Ngay lập tức, Bệnh viện Quân y 175 đã kích hoạt quy trình báo động đột quỵ (code stroke), khẩn trương tiến hành thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não bán cầu trái do tắc động mạch cảnh trong trái và động mạch não giữa trái bởi huyết khối.

giac-hoi-1717579948.jpg
Ê kíp can thiệp mạch máu thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Vương Khoa - Trưởng ê kíp can thiệp mạch (khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, đây là trường hợp đột quỵ rất nặng và phức tạp, thuộc dạng ca lâm sàng hiếm gặp trên thế giới.

Từ hình ảnh chụp não cho thấy, động mạch cảnh trong bên trái đoạn cổ bị bóc tách, tức là lớp áo trong (nội mạc) bị rách, lóc dần lên trên, rồi tách rời với lớp áo giữa (trung mạc) bởi tác động liên tục của dòng máu áp lực cao. Huyết khối qua đó có điều kiện hình thành và phát triển lớn dần trong lớp áo giữa, rồi tạo thành khối máu tụ đẩy lớp áo trong về phía lòng mạch khiến lòng động mạch cảnh trong đoạn cổ bị hẹp nặng gây suy giảm trầm trọng dòng máu lên não.

Diễn tiến bệnh nghiêm trọng, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu chữa người bệnh. Sau cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực tại khoa Nội thần kinh. 10 ngày sau, chức năng ngôn ngữ nhận thức của bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn một vài khiếm khuyết chức năng ngôn ngữ vận động, đang trong lộ trình điều trị âm ngữ phục hồi chức năng.

Bác sĩ Khoa cho hay, nguyên nhân của bóc tách động mạch cảnh trong có thể do bệnh lý (xơ vữa động mạch, viêm, nhiễm trùng, loạn sản sợi cơ, bệnh mô liên kết di truyền…) hoặc thông thường hơn là do chấn thương (tác động từ ngoại lực).

Diễn biến đột quỵ ở bệnh nhân sau bóc tách động mạch cảnh trong do chấn thương rất khó đoán định, có thể xảy ra sớm trong vòng 24 giờ, cũng có thể diễn biến thầm lặng trong vài ngày, thậm chí vài tuần mà không có triệu chứng cảnh báo trước. Nhiều khi triệu chứng mơ hồ, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm để điều trị dự phòng. Đột quỵ dạng này rất nặng, tỷ lệ tử vong 40% nếu không được điều trị kịp thời.

giac-hoi-1-1717579948.jpg
Các chuyên gia y tế thường khuyến cáo tránh đặt cốc trên những vùng cơ thể có da và cơ mỏng, mạch máu đi nông nhằm tránh nguy cơ gây sang chấn mạch máu

Trường hợp bệnh nhân N.V.S là do giác hơi liệu pháp trực tiếp gây bóc tách động mạch cảnh trong. Được biết, bệnh nhân có thói quen nhờ người thân làm giác hơi tại nhà mỗi khi đau lưng, đau vai gáy. Buổi chiều trước ngày bị đột quỵ, anh N.V.S đã thực hiện giác hơi vào vùng cổ trái. Khi nhập viện, dấu tích dụng cụ giác hơi vẫn còn in hằn trên da vùng cổ bên trái của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Khoa, giác hơi là phương pháp trị liệu lâu đời và được sử dụng rất phổ biến trong dân gian. Nguyên lý của liệu pháp giác hơi là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc chuyên dụng gắn trên da để sinh lực hút.

Lực hút này có thể mạnh hoặc rất mạnh tùy theo kỹ năng hoặc mong muốn của người điều trị và người được điều trị. Do đó, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo tránh đặt cốc trên những vùng cơ thể có da và cơ mỏng, mạch máu đi nông nhằm tránh nguy cơ gây sang chấn mạch máu. Như trường hợp bệnh nhân N.V.S đã không tuân thủ điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với mạch máu.

Bệnh viện Quân y 175 cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ do chấn thương gây bóc tách động mạch vùng cổ, cả động mạch cảnh trong lẫn động mạch đốt sống, sau động tác "bẻ cổ" của thợ hớt tóc hay nhân viên mát-xa… hoặc đơn giản chỉ là sau các động tác gập ưỡn, xoay lắc cổ quá mức của chính bệnh nhân.