Cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh công cộng
Hiện nay, Hà Nội có tổng cộng 351 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 176 nhà vệ sinh được xây dựng bằng gạch, 91 nhà vệ sinh có kết cấu vỏ thép (inox) và 84 nhà vệ sinh do Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing lắp đặt.
Mặc dù số lượng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội đã gia tăng, nhưng chúng vẫn chỉ đáp ứng một phần nhu cầu và chưa đảm bảo chất lượng. Nhiều nhà vệ sinh hiện đang trong tình trạng xuống cấp, với một số bị bong tróc, han rỉ phần kết cấu, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Điển hình, tại các khu vực trung tâm của Hà Nội như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một số nhà vệ sinh được xây dựng cách đây 50 - 60 năm khiến nhiều đồ đạc và trang thiết bị đã hư hỏng.
Anh Nguyễn Quỳnh Lưu - một tài xế xe ôm công nghệ thường xuyên sử dụng nhà vệ sinh công cộng cho biết, hầu hết các nhà vệ sinh ở Hà Nội đều thiếu các thiết bị cơ bản như bồn rửa tay, vòi xịt, và thiếu tính kín đáo. Kinh khủng nhất là những nhà vệ sinh ở khu công viên, bến xe bởi mùi hôi thối luôn nồng nặc và rất ít khi được dọn dẹp.
Trước tình trạng này, mới đây Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các sở liên quan để rà soát và bàn giao các nhà vệ sinh công cộng về địa phương quản lý, hoàn thành trước ngày 30/3. Các quận, huyện cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây mới các nhà vệ sinh công cộng, đảm bảo tăng cả về số lượng và chất lượng.
Các nhà vệ sinh phải được xây dựng theo tiêu chí văn minh, hiện đại, với trang thiết bị tiện lợi, phù hợp với nhu cầu sử dụng chung, đáp ứng tốt yêu cầu của người dân và du khách.
Đặc biệt, ông còn yêu cầu các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị... phối hợp mở cửa phục vụ miễn phí nhu cầu vệ sinh cá nhân cho du khách và người dân.
Bên cạnh đó, UBND quận Đống Đa được giao phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường Thiên Ý Hà Nội để lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng một nhà vệ sinh công cộng kiểu mẫu, hiện đại, tiện lợi và phù hợp với cảnh quan khu vực. Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ hướng dẫn và nhân rộng mô hình này tại các quận, huyện khác.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ quỹ nhà chuyên dùng chưa sử dụng, tìm các vị trí phù hợp để lập phương án quản lý và khai thác, ưu tiên sử dụng cho các tiện ích công cộng, đặc biệt là vệ sinh công cộng.
Kinh nghiệm từ TP. HCM
TP. HCM cũng từng rơi vào tình trạng thiếu thốn nhà vệ sinh công cộng, nhưng nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, vấn đề này cơ bản đã được khắc phục. Trong các giải pháp này có việc khuyến khích, vận động các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, trung tâm thương mại, cây xăng, trung tâm văn hóa, đào tạo, siêu thị, cửa hàng, bến xe, bưu điện...) đồng ý cho du khách khách, người dân được sử dụng nhà vệ sinh.

Tính đến cuối năm 2024, thành phố đã có khoảng 1.900 cơ sở kinh doanh dịch vụ và các trụ sở công đồng ý cho người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh của họ và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho biết, đến hết năm 2024, thành phố đã vận động thêm khoảng 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các quận 1, 3 và 5 tham gia chương trình này. Đây là một phần trong chiến lược kêu gọi thực hiện chương trình “Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện” được phát động từ cuối tháng 12/2024.
Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng đề án "Cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025". Đề án này nhằm vận động các cơ sở kinh doanh và dịch vụ đồng ý cho du khách và người dân sử dụng nhà vệ sinh tại cơ sở của họ.
Mục tiêu của thành phố là đến hết quý I/2025 sẽ có thêm 300 cơ sở tham gia chương trình. Đến hết quý III/2025, mỗi quận, huyện sẽ có 500 cơ sở tham gia. Đến cuối quý IV/2025, con số này sẽ đạt 600 cơ sở.
Bên cạnh đó, UBND TP. HCM còn ban hành hướng dẫn cấp phép xây dựng có thời hạn với loại hình nhà để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do Nhà nước quản lý gồm 4 bước theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. HCM.
Ông Nguyễn Xuân Sáng - Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong cho biết, quy định mới này giúp rút ngắn thời gian và thủ tục đáng kể so với trước đây đối với các nhà đầu tư triển khai dự án nhà vệ sinh công cộng. Công ty ông đã lên kế hoạch trình cơ quan chức năng mẫu nhà vệ sinh công cộng thông minh vào năm 2025 (kèm theo máy bán hàng tự động) và hy vọng sẽ triển khai trong năm nay.
Chị Trương Kiều Loan - một hướng dẫn viên du lịch tại TP. HCM chia sẻ, nếu có thêm nhiều cơ sở kinh doanh tham gia, chắc chắn du khách sẽ có ấn tượng tốt đẹp hơn về các điểm đến, từ đó gia tăng cơ hội quảng bá hình ảnh, sản phẩm, cũng như danh tiếng của các cơ sở và thành phố.