Vấn nạn tiếng ồn
Tiếng nhạc ầm ĩ từ quán nhậu, tiếng loa karaoke, tiếng rao hàng… tất cả tạo nên một "bản hòa ca" hỗn loạn, khiến cuộc sống của nhiều người dân trở nên căng thẳng và mệt mỏi mỗi ngày.
Ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành vấn nạn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Từ những con đường đông đúc đến các khu phố nhỏ, âm thanh phát ra từ đủ loại nguồn gây ồn ào khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Một người dân sống trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP. HCM) chia sẻ, phải chịu đựng cảnh sống chung với tiếng ồn từ những quán cà phê, quán nhậu xung quanh.
Các quán thi nhau mở nhạc to đến mức cửa nhôm nhà ông còn rung lên. Vào ban đêm, nhạc lại càng to hơn chứ không hề giảm. Người dân không thể ngủ được mà ngay cả việc thức cũng không yên. Cuộc sống của bị đảo lộn bởi tiếng ồn dù đã nhiều lần ông phản ánh đến cơ quan chức năng.
Nhiều cửa hàng điện máy, thời trang trên đường Lê Văn Việt, Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) cũng mở nhạc chĩa thẳng loa ra đường. Chị Phạm Thị Hồng Nhung chia sẻ, đứng dưới trời nắng nóng, chờ đèn giao thông cả 100 giây mà phải nghe tiếng loa như hét vào tai, thật sự thêm mệt mỏi.
Không chỉ tiếng loa từ hàng quán, tiếng hát karaoke nhà hàng xóm cũng là một nỗi ám ảnh. Anh Nguyễn Trọng Minh (TP. Thủ Đức, TP. HCM) chia sẻ, vào cuối tuần, hàng xóm lại tụ tập mở nhạc hoặc hát karaoke đến khuya. Đặc biệt vào dịp Tết, tần suất mở nhạc còn tăng lên, hầu như mỗi ngày.
Anh chỉ góp ý họ vặn nhỏ âm lượng thời điểm con học thi. Sau đó, tình trạng này “đâu lại vào đó”. Anh Minh bảo, khi họ đã say, mình làm căng thì sợ ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, thậm chí có thể xảy ra xô xát nên đành phải chịu đựng.
Tiếng ồn không chỉ gây ra sự khó chịu tạm thời mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm tiếng ồn có thể dẫn đến các vấn đề về thính giác, tim mạch, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, giảm khả năng tập trung và thậm chí là các bệnh lý tâm thần.
Đặc biệt, trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác động của tiếng ồn. Tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc hiểu và nhận thức của trẻ, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý.

Đề xuất từ chuyên gia
Luật sư Lê Văn Dũng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng đã chú trọng giải quyết vấn đề tiếng ồn. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy định xử phạt.
Cụ thể, để có thể xử phạt, cần phải có đầy đủ cơ sở chứng minh vi phạm bao gồm việc đo đạc mức độ tiếng ồn bằng thiết bị chuyên dụng và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Chính điều này dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm tiếng ồn chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của tiếng ồn và vẫn coi việc gây ồn là chuyện bình thường.
Để giải quyết vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm và quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kiểm soát tiếng ồn. Đồng thời, cần đầu tư trang thiết bị hiện đại và đào tạo đội ngũ nhân lực có chuyên môn để thực hiện công tác đo đạc, kiểm tra tiếng ồn một cách hiệu quả, đảm bảo tính chính xác và khách quan.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trương Nam Thuận - Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh cho rằng, để kiểm soát tiếng ồn hiệu quả, cần có cách tiếp cận linh hoạt và phù hợp với đặc thù của từng khu vực đô thị. Việc chỉ sử dụng thiết bị đo cường độ âm thanh hay quản lý một cách chung chung về khu vực và thời gian sẽ không đủ để giải quyết vấn đề.
Ông Thuận đề xuất phân chia các khu vực rõ ràng, ví dụ như khu dân cư, khu thương mại, khu chợ truyền thống và khu công viên giải trí, để dễ dàng xác định và quy định mức độ tiếng ồn phù hợp.
Chẳng hạn, trong khu dân cư, sau 21 giờ, mọi hoạt động gây ồn ào cần được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, các khu thương mại, nhà hàng, quán cà phê có thể linh hoạt cho phép âm thanh lớn trong giờ cao điểm, nhưng cần giảm bớt vào buổi tối.
Đối với các khu chợ truyền thống, cần xác định khung giờ hợp lý cho hoạt động rao bán, vừa bảo tồn bản sắc chợ vừa không làm phiền người dân xung quanh. Các khu công viên giải trí có thể cho phép tiếng ồn cao vào ban ngày, nhưng cần hạn chế các hoạt động âm thanh lớn sau 22 giờ.
Còn chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật - giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn chưa được giải quyết triệt để.
Thứ nhất, người dân thường quen với suy nghĩ "dĩ hòa vi quý", ngại va chạm và dễ dàng bỏ qua vấn đề. Thứ hai, mặc dù có các quy định pháp luật về ô nhiễm tiếng ồn, nhưng chế tài chưa đủ mạnh và sự quan tâm, xử lý của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Việc kiểm tra và nhắc nhở cũng chưa được thực hiện thường xuyên, thậm chí có những trường hợp phản ánh nhưng không được giải quyết khiến người dân mất niềm tin và nản lòng. Khi hành vi vi phạm không bị xử lý, việc sử dụng loa liên tục, bất kể giờ giấc, trở thành chuyện bình thường, từ đó vi phạm càng gia tăng về thời gian, tần suất và âm lượng.
Ông nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, chính quyền địa phương cần có phương án cụ thể, phân công rõ ràng nhiệm vụ cho cán bộ và kèm theo chế độ khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Mỗi phản ánh của người dân cần được tiếp nhận và xử lý ngay lập tức để tạo sức răn đe.
Ngoài ra, ông Nhật cũng cho rằng mỗi người dân cần chủ động nhắc nhở và góp ý với những người gây tiếng ồn, đồng thời phản ánh kịp thời đến chính quyền địa phương nếu tình trạng không được cải thiện.