Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều trong Nghị định 144/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và phòng chống bạo lực gia đình. Dự thảo này được xây dựng bởi Bộ Công an.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất sửa đổi mức phạt đối với các hành vi bạo lực kinh tế trong phòng chống bạo lực gia đình so với quy định hiện hành tại nghị định 144/2021. Cụ thể, mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng sẽ được áp dụng cho các hành vi như chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình, hoặc hủy hoại tài sản chung hay tài sản riêng của thành viên khác.
Ngoài ra, các hành vi ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức, làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc các công việc trái quy định pháp luật, hoặc ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin, lang thang kiếm sống cũng sẽ bị xử phạt.
Đáng chú ý trong đề xuất này, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo sự phụ thuộc về vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác và việc cưỡng ép đóng góp tài chính quá khả năng cũng sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng. Ngoài hình phạt tiền, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản chiếm giữ trái phép hoặc nộp lại giá trị tài sản đã bị tiêu thụ, tẩu tán, hoặc tiêu hủy trái quy định pháp luật cho chủ sở hữu hợp pháp.
Anh Đỗ Minh Thành Nhựt (35 tuổi, quận Tân Phú, TP. HCM) chia sẻ, mức phạt này là nghiêm khắc, có tác dụng răn đe và hy vọng sẽ khiến nhiều người chồng hoặc vợ phải cân nhắc. Nhiều người bạn từng kể với anh họ bị kiểm soát thu nhập quá mức, bị dò hỏi đến từng đồng. Mỗi ngày đi làm, họ phải xin tiền vợ để đổ xăng, uống cà phê...
Chị Trần Thị Thanh Thư (quận Gò Vấp, TP. HCM) cho biết, chuyện kiểm soát thu nhập giữa vợ và chồng là có thật trong nhiều gia đình. Không chỉ có vợ kiểm soát lương của chồng, mà đôi khi chồng cũng dò hỏi "từng đồng từng cắc" thu nhập của vợ. Chị Thư hy vọng đề xuất này sẽ giúp các cặp vợ chồng xử lý hợp lý hơn các vấn đề tài chính trong gia đình.
Chuyên gia tâm lý Lê Hồ Bích Ngân - Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm (TP. HCM) đánh giá, việc Bộ Công an đề xuất xử phạt lên đến 30 triệu đồng cho hành vi kiểm soát thu nhập của vợ, chồng có thể là một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu và loại bỏ bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực kinh tế.
Theo chuyên gia Lê Hồ Bích Ngân, bạo lực gia đình có thể chia thành 4 loại: Tinh thần, thể xác, kinh tế và tình dục. Do đó, cũng cần có những quy định tương ứng cho cả 3 loại còn lại để đảm bảo bạo lực gia đình không xảy ra trong bất kỳ gia đình nào.
Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn Thế Vinh - Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP. HCM) cho hay, không thể phủ nhận có một bộ phận phụ nữ thường kiểm soát thu nhập của chồng một cách quá đáng, mà không biết đó là hành vi bạo lực gia đình. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số nam giới là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình năm 2023 đã có dấu hiệu tăng lên.
Qua quá trình tư vấn tâm lý, ông nhận thấy nhiều trường hợp nam giới chịu bạo lực kinh tế. Vì vậy, phụ nữ cần hiểu và điều chỉnh cách dò hỏi về lương và thu nhập của chồng một cách hợp lý để tránh bị phạt nếu đề xuất của Bộ Công an được ban hành.
Ông cũng nhấn mạnh, mỗi thành viên trong gia đình cần chủ động chia sẻ với nhau về công việc, cuộc sống và thu nhập. Cần lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí, và tôn trọng lẫn nhau. Chỉ như vậy, gia đình mới có thể giữ được sự hòa thuận, tránh tình trạng kiểm soát thu nhập lẫn nhau.
Trong dự thảo, Bộ Công an còn đề xuất áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi sau: Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân hoặc tham gia các quan hệ xã hội hợp pháp và lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực tâm lý thường xuyên. Cấm đoán thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc.
Cản trở thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh. Kỳ thị hoặc phân biệt đối xử dựa trên hình thể, giới tính, hoặc năng lực của thành viên gia đình.
Mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng được đề xuất cho các hành vi như cưỡng ép thành viên gia đình chứng kiến cảnh bạo lực đối với người khác hoặc động vật. Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, hoặc đọc các nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực.
Phạt từ 20 đến 30 triệu đồng áp dụng cho các hành vi như cưỡng ép thành viên gia đình tham gia các hành vi khiêu dâm hoặc sử dụng các loại thuốc kích dục. Thực hiện các hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể của thành viên gia đình. Cô lập hoặc giam cầm thành viên gia đình. Cưỡng ép hoặc sử dụng các biện pháp khác để buộc quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Dự thảo cũng đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả.
Dự thảo đề nghị áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc từ 1 - 2 triệu đồng cho các trường hợp biết về bạo lực gia đình và có điều kiện ngăn chặn nhưng không can thiệp. Biết về hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền. Cản trở người khác trong việc phát hiện hoặc khai báo hành vi bạo lực gia đình. Bao che hoặc dung túng cho người có hành vi bạo lực gia đình. Không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình...