Liên Hợp Quốc cảnh báo: Rác điện tử đang đe dọa toàn cầu

Trong cảnh báo mới phát đi từ Liên Hợp Quốc cho thấy, tình trạng chất thải điện tử chất đống trên toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng, trong khi tỷ lệ tái chế đang ở mức rất thấp.

Rác thải điện tử bao gồm các thiết bị điện tử bỏ đi như pin, điện thoại di động, đồ chơi điện tử, TV, lò vi sóng, thuốc lá điện tử, máy tính xách tay, thậm chí là cả pin mặt trời…. Đây là vấn đề nhức nhối với nhiều quốc gia trong hàng thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm trên thế giới ngày càng nghiêm trọng.

Trong báo cáo được phát đi hôm thứ Tư, Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên Hợp Quốc và cơ quan nghiên cứu UNITAR cho biết, trong năm 2022 có khoảng 62 triệu tấn rác điện tử được thải ra môi trường, đủ để lấp đầy các xe đầu kéo và xếp hàng dài trên toàn cầu. Với đà gia tăng này, con số sẽ tăng lên tới 82 triệu tấn/năm vào 2030.

rac-thai-dien-tu-la-gi-tac-hai-cua-rac-thai-dien-tu-den-moi-truong-va-suc-khoe-1-1711017649.jpg
Lượng rác thải điện tử gia tăng nhanh mỗi năm, trong khi tỷ lệ tái chế, xử lý đúng cách lại ngày một giảm.

Trong rác thải điện tử, tỷ lệ kim loại gồm đồng, vàng và sắt đang chiếm một nửa trong số 62 triệu tấn kể trên, với trị giá tổng cộng khoảng 91 tỷ USD. Tiếp đến là nhựa, chiếm 17 triệu tấn và 14 triệu tấn còn lại bao gồm các vật liệu khác như composite và thủy tinh.

Đáng lưu ý, chỉ có 22% lượng rác điện tử được thu gom và tái chế đúng cách trong năm 2022. Con số này thậm chí còn có xu hướng giảm trong thời gian tới, ở mức 20% vào cuối thập kỷ này. Nhu cầu của con người đối với các thiết bị điện tử cao, đồng nghĩa với mức độ thải ra theo từng năm sẽ càng lớn. Trong khi đó, vòng đời các sản phẩm điện tử lại ngày càng ngắn hơn. Quá trình “điện tử hóa” xã hội ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải điện tử tại nhiều quốc gia không đáp ứng được so với nhu cầu.

rac-thai-dien-tu-1711017740.jpg
Tỷ lệ rác thải điện tử được xử lý và tái chế đúng cách vẫn còn hạn chế.

Không những vậy, một mối nguy hại lớn với môi trường là một số thiết bị điện tử bị loại bỏ có thể chứa các nguyên tố nguy hiểm như thủy ngân, kim loại hiếm… Chỉ có 1% nhu cầu về 17 loại khoáng sản tạo nên kim loại quý hiếm được tái chế đúng cách. Điều này đang gây ra sự lãng phí rất lớn.

Đặc biệt, một nửa lượng rác điện tử được thải ra môi trường đến từ các quốc gia châu Á, nơi phần lớn vẫn chưa có những quy định chặt chẽ về việc thu gom và phân loại rác thải. Tỷ lệ tái chế và thu gom rác thải điện tử mới đạt 40% ở châu Âu. Đây là khu vực mà lượng rác thải điện tử bình quân đầu người phát sinh cao nhất: gần 18 kg mỗi người/năm.

Tại Châu Phi, tỷ lệ tái chế và thu gom rác thải điện tử đang ở mức 1%, tuy nhiên đây lại là khu vực có lượng rác thải ra ít nhất trong 5 khu vực lớn toàn cầu.

Người đứng đầu văn phòng Phát triển Viễn thông ITU là Cosmas Luckyson Zavazava cho biết: “Nghiên cứu mới nhất cho thấy, thách thức toàn cầu do rác thải điện tử gây ra sẽ ngày càng gia tăng”. “Chưa đến một nửa thế giới thực hiện và thực thi các phương pháp tiếp cận để quản lý vấn đề, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về các quy định hợp lý nhằm tăng cường thu gom và tái chế rác thải điện tử”.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng thể hiện sự lo ngại về tác động của những phương pháp xử lý rác thải điện tử không đúng cách như đốt chúng sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng đất đai.

Chuyên gia về rác thải điện tử George Masila của Liên Hợp Quốc cho biết, những bãi rác thải điện tử ở khắp mọi nơi có thể ảnh hưởng trực tiếp tới đất đai. Khi trời mưa, nước chảy sẽ khiến nhiều yếu tố bên trong chúng lắng đọng vào môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất… Việc tái chế và sử dụng nhiều hơn nữa những vật liệu như vậy nên được xem xét, cân nhắc nhiều hơn.