Lời giải cho bài toán dây cáp điện, viễn thông chằng chịt trên đường ở các đô thị

Trong nhiều hẻm nhỏ, dây điện và dây cáp viễn thông được kết thành bó lớn, đặt ngay cạnh nhà dân. Nhiều trụ điện phải "cõng" trên lưng hàng tấn dây nhợ. Tình trạng này không những gây mất mỹ quan đô thị, mà còn nguy cơ gây thảm họa cho người, phương tiện đi lại.

Tai nạn do cáp viễn thông và dây điện

Với sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng viễn thông và nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, hệ thống dây cáp và dây điện ở các thành phố này ngày càng trở nên phức tạp và lộn xộn. Tình trạng dây cáp viễn thông và dây điện tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua.

Hình ảnh các bó dây cáp chằng chịt, treo lơ lửng trên cao, quấn quanh cột điện, thậm chí rơi xuống đường phố đã quen thuộc với nhiều người. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

tau-hoa-1-1724935040.jpg
Đoàn tàu vướng vào bó dây cáp không thể di chuyển (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong nhiều hẻm nhỏ, dây điện và dây cáp viễn thông được kết thành bó lớn, đặt ngay cạnh nhà dân rất nguy hiểm. Nhiều trụ điện phải "cõng" trên lưng hàng tấn dây nhợ khiến các gia đình sống xung quanh nơm nớp lo lắng. Đặc biệt tình trạng cháy trụ điện cũng đã xảy ra, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống điện và viễn thông, nhất là khi trời mưa to.

Thực tế, nhiều vụ tai nạn liên quan dây điện, dây viễn thông… "bỗng nhiên sà xuống đường" gây không ít hậu quả cho xã hội và nền kinh tế. Nhẹ thì tai nạn, ùn tắc giao thông, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Như vào tối 26/8, đoàn tàu khách SE7 chạy tuyến đường sắt Bắc - Nam khi đến đoạn đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP. HCM) đã vướng phải dây cáp viễn thông, buộc phải hãm tàu khẩn cấp. Đoàn tàu đã phải dừng lại 30 phút để các lực lượng liên quan cắt cáp, gây ách tắc giao thông ở đường Nguyễn Kiệm và khu vực xung quanh.

Sau sự cố trên, lực lượng công nhân, kỹ sư thuộc các đơn vị cáp viễn thông đã phải hạ các bó cáp xuống để kiểm tra và hàn lại. Đến sáng 28/8, công nhân mới hoàn tất di dời và nối cáp viễn thông tại đoạn đường này. Đây là khu vực có nhiều nhà mạng hoạt động.

Giữa tháng 6 vừa qua, một vụ việc đau lòng đã xảy ra trên tuyến đường đang thi công thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La), khi tài xế xe đầu kéo trong lúc gỡ dây cáp viễn thông mắc trên nóc xe đã bị điện từ đường dây 35kV phóng xuống dẫn đến tử vong…

Hay đầu năm nay, trên tuyến đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh, Nghệ An), một khối dây điện và dây mạng quấn vào nhau đã sà xuống lòng đường khiến nhiều người bị ngã xe. Trước đó, tháng 11/2023, một người dân ở Quảng Ngãi chạy xe qua tuyến đường Hoàng Sa (TP. Quảng Ngãi) đã bị vướng vào dây điện võng xuống đường dẫn đến tử vong.

tau-hoa-1724935040.jpg
Đoàn tàu SE7 phải dừng giữa đường hơn 30 phút để xử lý sự cố

Ngầm hóa dây cáp là giải pháp hiệu quả

Liên quan đến sự cố đoàn tàu SE7, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn vừa có công văn gửi các đơn vị viễn thông, đề nghị xử lý các vị trí "mạng nhện" ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Qua tổng rà soát, trong phạm vi 4 tỉnh thành hiện có tới 160 vị trí "mạng nhện" băng qua đường sắt. Trong đó, TP. HCM có 63 vị trí, Bình Dương có 8 vị trí, Đồng Nai có 73 vị trí và Bình Thuận là 16 vị trí.

Những bó cáp không được thường xuyên chằng buộc, có nguy cơ bị đứt hoặc ngã đổ vào đường sắt, đặc biệt khi có mưa dông, gió lớn. Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đề nghị, các đơn vị Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần viễn thông FPT, Tập đoàn Viettel, Công ty cổ phần hạ tầng viễn thông CMC... khẩn trương tổng kiểm tra các vị trí.

Đồng thời, có biện pháp gia cố chắc chắn trước 15/9 để đảm bảo an toàn chạy tàu. Quá thời hạn trên, các đơn vị không tiến hành gia cố, ngành Đường sắt sẽ cắt bỏ toàn bộ các sợi cáp. Chủ sở hữu các sợi cáp phải chịu toàn bộ thiệt hại, bồi thường cho ngành Đường sắt nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến chạy tàu.

Về lâu dài, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cũng yêu cầu các đơn vị cần có kế hoạch đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép để ngầm hóa theo quy định hiện hành.

Nhiều năm qua, cả Hà Nội và TP. HCM đã có những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng dây điện, cáp viễn thông chằng chịt. Các dự án ngầm hóa hệ thống dây cáp, dây điện đã được triển khai tại một số tuyến phố chính nhằm giảm thiểu sự hiện diện của dây điện, dây cáp trên không, đồng thời nâng cao tính an toàn và mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, việc ngầm hóa gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư lớn, quy trình thi công phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan. Trong họp báo về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều 29/8, ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương TP. HCM cho biết, tính đến tháng 8/2024, hệ thống lưới điện hạ thế tại thành phố đã ngầm hóa hơn 20%, khu vực trung tâm đạt hơn 71%.

Theo ông Nguyễn Phương Duy, thời gian qua Sở Công Thương thành phố đã phối hợp cùng ngành Điện và viễn thông tham mưu UBND TP. HCM nhiều giải pháp khắc phục tình trạng lưới điện và cáp viễn thông chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Giải pháp trước mắt, ngành Điện phối hợp đơn vị viễn thông chỉnh trang, làm gọn dây thông tin tại các tuyến phố, xử lý những điểm mất an toàn. Về lâu dài, thành phố sẽ ngầm hóa đồng bộ hệ thống cáp điện lực và cáp viễn thông nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao độ tin cậy trong quá trình quản lý vận hành, góp phần chỉnh trang, cải thiện mỹ quan đô thị.