Lừa đảo mua vé online “Anh trai say Hi” nóng mạng xã hội tuần qua

Lợi dụng sức hút của các chương trình âm nhạc đang “hot” như “Ạnh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say Hi”, các đối tượng lừa đảo đã lừa bán vé giả trên mạng cho người hâm mộ. Đây là một trong các chiêu thức lừa đảo mạng vừa được Cục An toàn thông tin cảnh báo tới người dân.

Theo đó, các hình thức lừa đảo trực tuyến nổi bật tuần qua gồm mạo dannh nhân viên cơ quan thuế yêu cầu cài đặt phần mềm giả mạo, các websiter làm hộ chiếu online giả mạo, đặc biệt là chiêu thức lừa đảo mua vé chương trình ca nhạc, concert.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), mới đây công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã xác minh một vụ lừa đảo mua vé xem chương trình “Anh trai say Hi”. Những kẻ lừa đảo đã tiếp cận nhóm khách hàng tên N. (trú tại quận Hai Bà Trưng), tự giới thiệu làm trong ban tổ chức bán vé chương trình. Với nhiều thủ đoạn, các đối tượng đã khiến cho các nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền, sau đó chúng cắt đứt liên lạc và biến mất mà không cung cấp được bất kỳ vé nào cho nạn nhân. Nhận thấy các bài đăng rao bán vé trên các hội nhóm cũng bị gỡ bỏ, nhóm chị N. đã đến cơ quan công an để trình báo, tổng số tiền bị lừa đảo lên tới hơn 50 triệu đồng.

lua-dao-anh-trai-say-hi-1733112312.png

Lợi dụng nhu cầu của người dân về mua vé các chương trình ca nhạc, concert "hot", nhiều đối tượng lừa đảo đã rập bẫy người dân để chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An toàn thông tin, với hình thức lừa đảo này, những kẻ đứng sau thường tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, pass vé nhằm thu hút người dùng. Chúng cũng tận dụng những chiêu thức như tạo vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn thị trường. Với hình thức in ấn tinh vi, người mua thường không phát hiện ra vấn đề cho đến khi vào sự kiện và không thể qua cửa. Một số đối tượng cũng quảng bá vé VIP hoặc các gói dịch vụ đặc biệt vốn không tồn tại để dụ dỗ người mua, chiếm đoạt nhiều tiền hơn.

Trước thực trạng kể trân, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần đặc biệt cảnh giác khi mua các vé chương trình ca nhạc, sự kiện “hot” trên không gian mạng. Người dân chỉ mua tại những địa chỉ tin cậy, theo kênh phân phối chính thức của ban tổ chức.

Trong trường hợp cần pass vé, sang nhượng, cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch, nên ưu tiên thanh toán trực tiếp để có thể xác thực được sự tin cậy của vé…

Bên cạnh việc cảnh báo về các chiêu lừa đảo bán vé chương trình âm nhạc, sự kiện “hot”, Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo người dân về tình trạng mạo danh cơ quan thuế, yêu cầu người dân cài đặt phần mềm giả mạo. Một người đàn ông ở huyện Chương Mỹ đã trở thành nạn nhân của chiêu trò này và đã bị chiếm đoạt tới 200 triệu đồng trong tài khoản.

etaxx-1733112475.png

Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn dụ dỗ cài đặt phần mềm thuế từ những đối tượng không rõ danh tính.

Với thủ đoạn này, đối tượng thường liên hệ với nạn nhân qua số điện thoại, zalo, facebook để mời đến cơ quan thuế xác nhận thông tin, kê khai thuế điện tử. Sau đó, chúng thuyết phục người dân cài đặt ứng dụng giả mạo trên ứng dụng Google Play Store (CH Play). Nếu người dân cài đặt, các phần mềm theo dõi, mã độc sẽ xâm nhập, đánh cắp dữ liệu thiết bị và cung cấp cho bọn tội phạm. Những dữ liệu này có thể khiến hacker chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch chiếm đoạt trái pháp luật.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của những đối tượng lạ, tránh nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị, Hãy xác minh danh tính của đối tượng và thông tin được đối tượng yêu cầu qua các kênh chính thống….

Cuối cùng là cảnh báo về các website làm hộ chiếu online giả mạo. Theo Cục, lợi dụng việc một bộ phận người dân không thông thạo về CNTT, chưa biết cách nộp hồ sơ làm hộ chiếu trực tuyến, thời gian qua mạng xã hội Việt ghi nhận nhiều hội nhóm “cò mồi” làm hộ chiếu nhanh giá rẻ.

Với những quảng cáo hấp dẫn như: Làm passport chưa bao giờ dễ dàng đến thế, hồ sơ được gửi về tận nhà chỉ cần cung cấp thông tin và file ảnh, không xếp hàng chen lấn,… các đối tượng đã tiếp cận được những người có nhu cầu. Không chỉ lừa người dân chuyển tiền dịch vụ với giá cao hơn thông thường mà không nhận được gì, các đối tượng còn có thể khai thác thông tin cá nhân của người dân gồm ảnh cá nhân, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP…để thực hiện những hành vi phạm pháp sau đó.

3-8b4df8f41a-1733112516.png

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân một lần nữa, không thực hiện dịch vụ với các nhóm đối tượng không rõ danh tính trên không gian mạng. Nếu không thể nộp hồ sơ trực tiếp mà không biết cách nộp online, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, am hiểu về CNTT để hỗ trợ.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến  ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo và được hỗ trợ giải quyết vụ việc theo quy định.