Mặt bằng kinh doanh Hà Nội dần hồi phục, TP.HCM còn ế ẩm

Trong khi các phố trung tâm Hà Nội dần trở nên sôi động với tỉ lệ lấp đầy mặt bằng tăng cao, TP.HCM vẫn chứng kiến tình trạng "cửa đóng then cài" ngay cả trong mùa mua sắm cao điểm.
Mặt bằng kinh doanh Hà Nội dần hồi phục, TP.HCM còn ế ẩm - Ảnh 1.

Khách nước ngoài đến du lịch Hà Nội tăng cao - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Thực trạng này phản ánh rõ nét sự phục hồi không đồng đều của hai đầu tàu kinh tế đất nước sau đại dịch, cũng như sự thay đổi trong thói quen kinh doanh, mua sắm.

Mặt bằng được lấp đầy nhanh hơn

Những đổi thay về tỉ lệ mặt bằng trống ở Hà Nội dễ nhận thấy tại khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, nơi dừng chân nhiều du khách quốc tế. Một buổi trưa sát cuối tuần, bà T. tay thoăn thoắt kẹp thịt, rau, các loại tương vào chiếc bánh mì cho khách, vừa kể: Năm nay khách Tây tới du lịch nhiều hơn, không khí buôn bán "xôm" hẳn.

Nhớ lại các năm trước, khi dịch bệnh khiến TP vắng bóng du khách, bà T. cho biết mặt bằng quanh khu vực này bị trả nườm nượp. "Giá cả thuê đắt đỏ, khách không có, bán cho ai mà chẳng trả, giờ thì khác nhiều rồi", bà T. nói.

Ông Lê Công Năng, tổng giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế WonderTour, cho biết lượng khách quốc tế trở lại Hà Nội năm nay rất tốt. "Thời điểm dịch không có khách đến, trả mặt bằng la liệt. Giờ khách tấp nập trở lại, tìm mặt bằng trống giờ cũng khó", ông Năng quan sát.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Hàng Bông, Hàng Gai, Lương Văn Can, Chả Cá, Lý Quốc Sư, Nhà Chung... hiếm hoi mặt bằng trống cho thuê. Khoảng 3h-4h chiều, các tuyến phố này tấp nập khách nước ngoài lẫn khách Việt.

Còn biển rao "cửa hàng cho thuê", "tòa nhà cho thuê"... chủ yếu xuất hiện ở các trục đường như Phố Huế, Kim Mã, Tôn Đức Thắng... Anh T.Thủy, một môi giới bất động sản khu vực này, cho biết các tuyến phố này lúc trước chủ yếu kinh doanh thời trang, nhưng mặt hàng này giờ chủ yếu buôn bán online nên các chủ shop trả mặt bằng nhiều.

"Thời điểm dịch, khu này cao trào trả mặt bằng. Bây giờ cũng đã đỡ hơn trước, chủ yếu còn lại những mặt bằng diện tích lớn, chủ hộ muốn cho thuê nguyên căn, giá cũng cao", anh Thủy cho hay.

Dịch ra xa hơn khỏi vùng trung tâm, ghi nhận thực tế tại các tuyến phố như Xuân Thủy, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Chùa Bộc (quận Đống Đa), Quang Trung (quận Hà Đông)... tỉ lệ lấp đầy mặt bằng đã tốt hơn thời điểm dịch và cùng kỳ năm ngoái.

Chị Thu Hiền, chủ shop kinh doanh hoa tươi ở đường Láng Hạ (quận Đống Đa), cho biết việc kinh doanh trên tuyến phố này khá thuận lợi, dọc cả tuyến phố này mặt bằng gần như đã được lấp đầy.

"Tôi đã thuê mặt bằng ở đây 10 năm rồi. Năm nay doanh thu của cửa hàng tôi đã phục hồi tương đối tốt so với thời điểm dịch", chị Hiền chia sẻ.

Ông Phạm Văn Quý, chủ chuỗi nhà thuốc Thiện Tâm, cho biết đầu năm nay đi khảo sát thuê mặt bằng thấy "rất dễ thuê, tỉ lệ trống rất nhiều". Song gần về cuối năm, ông Quý thấy tỉ lệ lấp đầy đã tốt hơn. "Chi phí cho các sàn thương mại điện tử rất cao, nhiều người lại có xu hướng chuyển về mặt bằng truyền thống, tính toán cân đối cho hiệu quả hơn", ông Quý quan sát.

Mặt bằng kinh doanh Hà Nội dần hồi phục, TP.HCM còn ế ẩm - Ảnh 2.

Chiều 5-12, nằm trên con đường sôi động Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh) nhưng một mặt bằng đẹp, rộng vẫn ế khách - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

TP.HCM: ế giữa cao điểm mùa mua sắm

Trong khi đó ở TP.HCM, dù đang vào mùa tiêu dùng cao điểm nhất trong năm nhưng rảo quanh nhiều quận trung tâm của TP.HCM như quận 1, 3, Bình Thạnh... không khó để thấy được hoạt động kinh doanh tương đối chậm, đặc biệt là tình trạng đóng cửa kinh doanh, trả mặt bằng, cho thuê mặt bằng khá phổ biến.

Tại khu vực kinh doanh sôi động gần ngõ giao đường Ung Văn Khiêm và Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh) có một dãy mặt bằng dài, đẹp đang được dán bảng "cho thuê mặt bằng" chi chít. Ở đối diện, nhiều cửa hàng nhỏ kinh doanh về môi giới bất động sản cũng thường xuyên trong tình trạng đóng cửa.

Trong khi đó, đường Hai Bà Trưng (quận 1, 3) được xem là "con đường thời trang" nhưng nhiều tháng qua người đi đường dễ dàng nhận thấy những biển "cho thuê mặt bằng" xuất hiện khắp nơi, đặc biệt những điểm đóng cửa dài ngày đang rao cho thuê lại bị dán gần như chi chít các số điện thoại cho thuê mặt bằng.

Theo nhiều người kinh doanh tại đây, khu vực này thường xuyên xuất hiện các mặt bằng đóng cửa, rao cho thuê, thậm chí có vị trí bỏ không trong thời gian dài.

Đường Đồng Khởi (quận 1) được mệnh danh là "con đường đắt nhất" TP.HCM được nhiều thương hiệu lớn tận dụng để quảng bá nhưng hiện không ít nơi đóng cửa, hoạt động cầm chừng. Cụ thể, ghi nhận chiều 5-12, một dãy bốn mặt bằng liền kề (số 158) tại đây cùng "cửa đóng then cài". Với không gian im lìm, bị vẽ bậy lên cửa, những điểm này dường như không thường xuyên hoạt động.

Tương tự, tại các con đường kinh doanh sầm uất như Lê Văn Sỹ (quận 3), Phan Văn Trị (Gò Vấp)... người đi đường dễ dàng nhận thấy nhiều điểm treo bảng cho thuê mặt bằng dù đây là mùa mua sắm sôi động nhất trong năm.

Hệ thống lẩu gà ớt hiểm 109 (Phú Nhuận) từng có 17 chi nhánh vào năm 2020 nhưng đến nay còn bốn cái. Ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập chuỗi này, cho hay kinh doanh khó khăn, sức mua giảm đến 50% nhưng hầu hết chủ mặt bằng đều không giảm giá, thậm chí tăng giá thuê bình quân 5 - 10%/năm, nên doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng và chỉ duy trì những điểm bán hiệu quả.

Trong khi đó, giảm từ năm điểm bán xuống hiện còn ba điểm bán tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chủ thương hiệu thời trang, cho biết việc cắt giảm này chủ yếu do không chịu nổi giá thuê mặt bằng tăng 5 - 10%/năm nhưng hiệu quả kinh doanh giảm sút mạnh.

"Hiện ba mặt bằng này giá thuê tốt nhất, bình quân 30 triệu đồng/tháng và chủ không tăng giá trong ba năm nên tôi mới thuê", ông Đỉnh lý giải.

Chưa đủ động lực giảm giá mặt bằng

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng ngoài vướng giá thuê cao, người kinh doanh ở những khu vực trung tâm, đặc biệt phố thời trang như đường Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ... đang gặp khó là do hoạt động kinh doanh dần phân tán, cửa hàng thời trang lớn chia nhỏ ra tại nhiều quận chứ không hẳn dồn về trung tâm như trước. Ngoài ra, giới trẻ hiện có quá nhiều kênh mua sắm, đặc biệt là kênh online.

Ông Hiển cho biết người giữ bất động sản thường là những người có tiền nên không nhất thiết "xuống nước" với người thuê. Ngoài ra, do giá bất động sản đang quá cao dẫn đến tâm lý giá thuê đưa ra phải cao.

"Ví dụ một mặt bằng trị giá 150 tỉ đồng cho thuê 150 - 200 triệu đồng/tháng thì một năm được 1,8 - 2,4 tỉ đồng. Với người đi thuê, đây là số tiền lớn nhưng với người cho thuê lại thấy số tiền này quá nhỏ nếu so với giá trị bất động sản, nghĩa là tỉ suất lợi nhuận quá thấp", ông Hiển nhận định.

Ông Trần Đình Hồng, một chuyên gia trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại TP.HCM, cho rằng người đi thuê và cho thuê cần phải tìm thấy nhau, điều này giúp đôi bên cùng có lợi và tác động lớn đến nền kinh tế. 

Bởi chỉ cần vài tháng không có người thuê là chủ mặt bằng mất một khoản không nhỏ, thậm chí nhiều mặt bằng cả năm không có khách thuê chỉ vì người cho thuê muốn thêm "một ít".

"Hiện nay kinh doanh online rất phát triển nên người kinh doanh có nhiều lựa chọn về mặt bằng, thậm chí ở trong đường nhỏ, hẻm cụt vẫn kinh doanh ổn. Do đó với nhiều người, mặt bằng không còn quá quan trọng, nếu không có giá thuê tốt họ sẵn sàng rời đi", ông Hồng đánh giá.

Theo dữ liệu của CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm Hà Nội trong quý 3 năm nay đạt 172 USD/m2/tháng (khoảng gần 4,4 triệu đồng/m2), tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ so với quý trước.

"Giá thuê tiếp tục xu hướng tăng khi tỉ lệ trống tại khu vực này vẫn duy trì ở mức thấp chỉ 1,7%", đại diện từ CBRE Việt Nam cho hay. Trong khi đó tại các khu vực ngoài trung tâm, tỉ lệ trống tăng từ 10% lên 12,1% so với quý trước do có nguồn cung mới và một số khách thuê trả mặt bằng.

Tuy nhiên đại diện CBRE Việt Nam cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ trống khu vực ngoài trung tâm vẫn giảm. Thị trường ghi nhận sự mở rộng chủ yếu đến từ các ngành hàng F&B, thời trang và mỹ phẩm...

Mặt bằng trống ở Hà Nội lấp đầy nhanh hơn

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch F&B Investment - chuyên gia tư vấn đào tạo trong ngành F&B, nhận thấy nhiều chuỗi F&B tại TP.HCM có quy mô lớn và hoạt động sôi động hơn ở Hà Nội vì các nhà đầu tư xây dựng quy mô lớn, đi "nhanh" hơn, song kèm rủi ro lớn hơn khi sức mua yếu, kinh tế còn khó khăn.

Trong khi đa phần các chuỗi F&B ở Hà Nội làm "chậm", "dần dần" nhưng "vững" hơn khi thị trường khó khăn như hiện nay. "Mặt bằng đẹp ở Hà Nội bị trả lại nhưng được lấp đầy lại cũng rất nhanh", ông Tùng nói.