Trái phiếu riêng lẻ: Nên áp dụng tiêu chí cao hơn thay vì loại bỏ nhà đầu tư cá nhân

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, thay vì loại bỏ hoàn toàn nhà đầu tư cá nhân khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ thì có thể tiếp cận theo “tiêu chí cao hơn, tùy chọn rộng hơn”.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để thảo luận về dự án sửa đổi 7 luật, bao gồm Luật Chứng khoán. Trong đó, có một điểm đáng chú ý là đề xuất chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, loại trừ nhà đầu tư cá nhân, kể cả chuyên nghiệp, khỏi thị trường này.

Đi ngược xu thế toàn cầu

Lý giải nguyên nhân đưa ra quy định này, cơ quan soạn thảo cho biết, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt từ doanh nghiệp chưa niêm yết, có rủi ro cao. Dù nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia, giao dịch chủ yếu vẫn giữa các tổ chức như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, và ngân hàng, vì nhà đầu tư cá nhân thường thiếu khả năng quản trị rủi ro.

Trong khi đó, tổ chức đầu tư có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để quản lý rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng lưu ý, việc bổ sung quy định này không có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn bị hạn chế, mà có thể tham gia thông qua các quỹ đầu tư hoặc công ty quản lý quỹ được cấp phép của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, trong quá trình thẩm tra có ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân là nhóm lớn tham gia vào thị trường TPDN riêng lẻ. Nếu loại bỏ họ sẽ thu hẹp thị trường và ảnh hưởng đến thanh khoản cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

tpdn-rieng-le-1728996377.jpg
Nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 25-30% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp

Đồng tình, GS.TS Trần Ngọc Thơ - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, quan điểm của cơ quan soạn thảo cho rằng việc loại bỏ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp khỏi thị trường TPDN riêng lẻ có thể được bù đắp bằng cách tham gia gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư là hợp lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quỹ đầu tư ở Việt Nam ít nắm giữ trái phiếu riêng lẻ do rủi ro cao, không phù hợp với khẩu vị của quỹ. Ngoài ra, mục tiêu này đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Hiện, kênh phát hành đại chúng đang dần nhường chỗ cho kênh phát hành riêng lẻ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đã đạt quy mô 9.600 tỉ USD tài sản toàn cầu.

Giải thích thêm về luận điểm này, GS. TS Trần Ngọc Thơ đưa ra ví dụ về việc Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kêu gọi người dân mua trái phiếu để huy động 36 tỷ USD cho dự án đường sắt đô thị dài 183 km. Tương tự, Chính phủ cũng đang xem xét huy động gần trăm tỷ USD cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Một trong những nguồn tài chính cho các dự án này có thể đến từ TPDN riêng lẻ do các doanh nghiệp tham gia phát hành.

Mở lối đi khác cho nhà đầu tư cá nhân

Thay vì loại bỏ hoàn toàn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như trong dự thảo Luật Chứng khoán, GS. TS Trần Ngọc Thơ đề xuất cách tiếp cận “tiêu chí cao hơn, tùy chọn rộng hơn”.

Cụ thể, cơ quan chức năng có thể giữ nguyên phương án chỉ cho phép các tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, nhưng cần mở rộng để nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có thể tham gia mua bán, giao dịch trên thị trường thứ cấp. Cách tiếp cận này vừa huy động tối đa nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo bảo vệ nhà đầu tư.

Đồng thời, bổ sung cơ chế phân loại phát hành trái phiếu riêng lẻ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và ngành nghề mới nổi, nhằm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế trong nước. Nói cách khác, thay vì tuyệt đối tuân theo triết lý bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc kết hợp triết lý “bảo vệ sự lựa chọn”.

Điều này không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư khỏi những khoản thua lỗ lớn, mà còn góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển thị trường vốn. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề xuất nghiên cứu thêm việc nâng cao các tiêu chí cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể yêu cầu thời gian nắm giữ trái phiếu riêng lẻ lâu hơn, từ 1-2 năm trở lên.

tpdn-rieng-le-1-1728996508.jpg
Cần mở rộng để nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có thể tham gia mua bán, giao dịch trên thị trường thứ cấp

Thực tế, hiện vẫn còn nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, và Hoa Kỳ vẫn cho phép nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ. Do đó, nếu có khung pháp lý phù hợp và cơ quan quản lý thị trường có đủ năng lực, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn có thể được quản lý có trách nhiệm trong thị trường trái phiếu riêng lẻ mà không gây ra sự mất niềm tin lớn trên thị trường.

Đồng tình, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, trước đây, đề xuất hạn chế nhà đầu tư cá nhân đã gây lo ngại và phản đối từ giới chuyên gia và các nhà đầu tư. Nhiều tổ chức kinh tế cho rằng điều này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thị trường TPDN, vốn đã có quy mô nhỏ và chưa phát triển mạnh.

Mặc dù mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, nhóm dễ bị tổn thương trên thị trường, là hợp lý, nhưng không nên thu hẹp quyền giao dịch của họ. Thay vì loại trừ, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng của nhà đầu tư cá nhân thông qua đào tạo, để họ có thể tự quản trị rủi ro. Bởi lẽ, hiện tại, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 25-30% khối lượng TPDN, nếu họ rút lui, thị trường sẽ đối mặt với khoảng trống hàng nghìn tỉ đồng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 312.067 tỉ đồng, trong đó có 15 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 27.054 tỉ đồng (chiếm 8,7% tổng giá trị) và 294 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 285.012 tỉ đồng (chiếm 91,3%).

Tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn là 144.044 tỉ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu với 72,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (khoảng 104.444 tỉ đồng).

Trong thời gian còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 78.878 tỉ đồng, trong đó 43,5% thuộc nhóm bất động sản (khoảng 34.317 tỉ đồng) và nhóm ngân hàng đứng thứ hai với gần 8.500 tỉ đồng (chiếm 10,8%). Tính từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 750.000 tỉ đồng.