Nỗi đau đáu của người mẹ già hơn 80 tuổi bên xe “bánh mì 0 nhà”

Không có nhà, ngày ngày mưu sinh trên hè phố bằng xe bánh mì có cái tên rất lạ - “bánh mì 0 nhà”.

Hướng đôi mắt già nua nhìn dòng xe tấp nập trên đường, nhưng cụ Nguyễn Lệ Thủy lại có chút thất thần. Bỗng một chiếc xe máy dừng lại cạnh cụ, cô gái ngồi trên xe gọi 2 ổ bánh mì mang đi. Cụ Thủy chớp đôi mắt đã mờ, quay đầu gọi con trai làm bánh mì cho khách.

Xe bánh mì của cụ Thủy nằm trên con đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. HCM) có cái tên rất lạ - “bánh mì 0 nhà”. Có lẽ, cái tên này gắn với hoàn cảnh của mẹ con cụ Thủy, không nhà phải sống trên hè phố.

"Bánh mì 0 nhà" - cái tên đặc biệt gắn với hoàn cảnh của mẹ con cụ Thủy.

Cụ Thủy bảo gần 60 năm trước, hôn nhân đổ vỡ, cụ Thủy ôm theo đứa con trai mới 7 tháng tuổi rời quê đến nơi đất khách quê người mưu sinh. Những ngày chân ướt chân ráo lên TP. HCM, cụ làm nhiều nghề để nuôi con.

Cụ làm thuê làm mướn như thế đến năm con trai hơn 10 tuổi thì tích cóp được chút tiền để mở hàng bán bánh mì trên vỉa hè. Ban đầu, cụ chỉ đủ tiền sắm một chiếc bàn, bày vài chiếc bánh mì và chút nguyên liệu.

Cuộc sống mưu sinh của 2 mẹ con cụ vốn đã nhiều khó khăn, còn thêm vất vả hơn khi con cụ - ông Thanh Giang có vấn đề về thần kinh. Được hỏi về bệnh tình của con trai, khuôn mặt vốn đã khắc khổ của cụ Thủy thêm phần chua xót. Cụ xua tay ra hiệu không muốn nói về chuyện này.

Rồi cụ thở dài bảo, thương hoàn cảnh của mẹ con cụ, nhiều người đã góp tiền mua cho cụ chiếc tủ kính bán bánh mì thay cho chiếc bàn cũ. Cụ cùng con trai bán bánh mì cả ngày lẫn đêm trên con đường Cách Mạng Tháng Tám. Bán đã nhiều năm ở đây nên cụ cũng có khách quen. Có người đến mua ủng hộ còn cho mẹ con cụ tiền.

Mẹ con cụ Thủy không có nhà, phải sống trên vỉa hè

Năm ngoái cụ vẫn còn túc tắc đứng lên đi lại làm bánh mì cho khách nhưng giờ chân cụ đau nên những lúc tỉnh táo ông Giang làm giúp mẹ.

Cụ Thủy bộc bạch, dù tiền lời một ngày có khi không đủ mua cơm cho 2 mẹ con nhưng cụ vẫn chọn nguyên liệu làm nhân bánh chất lượng. Những hôm không đủ tiền mua cơm, ông Giang đến nhà thờ gần đó xin cơm. Nhưng cũng có nhiều hôm mẹ con cụ phải nhịn đói.

Làm xong bánh cho khách, ông Giang ngồi xổm bên cạnh một chú chó nhỏ. Nhìn con, giọng cụ Thủy có chút run run chia sẻ dù “lúc tỉnh lúc mê” nhưng ông Giang rất hiếu thuận với mẹ. Thỉnh thoảng, ông còn đi nhặt ve chai phụ giúp mẹ. Rồi ánh mắt cụ có phần tươi tỉnh hơn, chỉ về phía con chó bảo cụ nhặt được nó, đưa về nuôi coi như một thành viên trong gia đình. Cũng từ đó, ông Giang được “thăng chức” lên làm anh hai.  

Mưu sinh mấy chục năm nơi đất khách quê người, giờ đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cụ Thủy vẫn luôn mong ước một mái nhà che mưa che nắng. Mong ước này ngày càng mãnh liệt hơn vì cụ sợ khi cụ về với tổ tiên thì không ai lo cho con trai.

Lại hướng ánh mắt nhìn về phía dòng người tấp nập, có lẽ mong ước ấy đã thành nỗi đau đáu trong lòng người mẹ già.