Người nhà ngóng trông nước lũ giảm để tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu

Đứng bên dòng sông đục ngầu, vẫn còn chảy xiết, nhiều người thân của các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu mòn mỏi chờ đợi từ sáng sớm đến tối mịt, chỉ mong nước lũ sớm rút để công tác tìm kiếm được bắt đầu.

Đảm bảo mực nước an toàn mới trục vớt xe

Sáng ngày 14/9, tại khu vực cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), các lực lượng chức năng đã tiến hành đo mực nước và rà soát hiện trường để chuẩn bị cho công tác trục vớt phần cầu bị sập và lắp đặt cầu phao tạm thay thế.

Ở khu vực Bến Ruộng (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông), lực lượng quân đội đã dọn dẹp bến phà và phát quang cây cối, chuẩn bị sẵn sàng cho việc di chuyển xe bắc cầu phao. Lực lượng quân đội cũng sử dụng ca nô để rà soát ven bờ và dòng sông, đảm bảo sẵn sàng lắp đặt cầu phao khi mực nước và dòng chảy an toàn.

sap-cau-2-1726361900.jpg
Cầu Phong Châu bất ngờ sập vào ngày 9/9

Do ảnh hưởng của mưa lũ, nước chảy xiết nên sau 6 ngày (ngày 9/9) kể từ khi cầu bị sập, cơ quan chức năng vẫn chưa thể tiến hành trục vớt và lắp đặt cầu phao tạm thời để phục vụ việc đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cho biết sau 6 ngày kể từ khi cầu Phong Châu bị sập, mực nước sông Hồng đã giảm khoảng 2 - 3 mét vào sáng 14/9. Sau khi đánh giá và đảm bảo mực nước an toàn, lực lượng chức năng sẽ tiến hành cứu hộ và lắp đặt cầu phao. Đến nay, cơ quan chức năng đã sơ bộ xác định 8 người mất tích và 3 người bị thương trong vụ sập cầu Phong Châu.

Đại tá Nguyễn Đình Cương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Phú Thọ, nhận định rằng có khả năng một số người vẫn bị mắc kẹt trong các phương tiện chìm dưới lòng sông.

Các đơn vị chức năng đang huy động phà có cần cẩu đủ mạnh để trục vớt những chiếc xe ô tô đang chìm dưới sông. Quá trình trục vớt chỉ có thể thực hiện khi lưu tốc và dòng chảy của sông Hồng đạt mức an toàn.

sap-cau-1726361900.jpg
Lực lượng chức năng tiến hành đo mực nước và rà soát hiện trường sáng 14/9 (Ảnh: T.Q/Dân Việt)

Ngày ngày tới bên bờ sông để ngóng tin

Ngay khi nghe tin cầu Phong Châu sập vào sáng 9/9, bà Lương Thị Sáu (55 tuổi, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) tức tốc chạy đến hiện trường. Gần một tuần qua, bà cùng người thân đi dọc sông Hồng từ khu vực cầu Phong Châu xuống hạ lưu hơn 40km để tìm kiếm tung tích của vợ chồng anh trai bà là ông Lương Xuân Thành và bà Nguyễn Thị Hường.

Gia đình bà cũng đã nhờ thêm người thân, bạn bè ở các khu vực hạ lưu sông Hồng như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... hỗ trợ nghe ngóng thêm thông tin.

Ngày 14/9, bà Sáu ngồi cách chân cầu Phong Châu khoảng 300m, mắt luôn dõi theo lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm các nạn nhân tại phần dầm cầu bị sập. Thấy lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ, bà vội vã hỏi: "Có tin tức gì chưa chú? Gia đình tôi đã tìm kiếm dọc sông Hồng gần một tuần nay mà chưa thấy anh Thành, chị Hường đâu".

Khi nghe được câu trả lời "gia đình cứ yên tâm, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm" từ một chiến sĩ cảnh sát, bà Sáu ngồi sụp xuống đất. Bà Sáu cho biết, sáng 9/9, vợ chồng anh trai bà đi từ nhà đến xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) để khám bệnh thoát vị đĩa đệm.

sap-cau-1-1726361900.jpg
Bà Sáu ngóng trông tin tức của vợ chồng anh trai (Ảnh: C.Tuệ/Tuổi trẻ)

Khoảng 11h cùng ngày, khi nghe tin về vụ sập cầu Phong Châu, gia đình cố gắng liên lạc với vợ chồng ông Thành nhiều lần nhưng không được. Lo lắng, người thân đã tỏa đi tìm kiếm khắp nơi và xác nhận rằng khi cầu Phong Châu sập, vợ chồng ông Thành đã đi đến gần giữa cầu.

Bà Sáu chia sẻ, từ clip được camera hành trình ghi lại, gia đình nhận ra vợ chồng ông Thành đã rơi xuống sông Hồng khi cầu sập. Ông Thành mặc áo trắng, cố bám vào thành cầu nhưng không thể. Bà bảo, dù hy vọng rất mong manh, nhưng gia đình sẽ không bao giờ từ bỏ. Chỉ khi tìm thấy vợ chồng ông Thành, gia đình mới có thể yên lòng.

Tương tự, nhiều ngày nay, gia đình bà Dương Thị Hoa đã thay phiên nhau túc trực tại chân cầu Phong Châu, mong ngóng tin tức về em trai và là anh Dương Công Chiến (43 tuổi, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông). Bà Hoa cho biết, em trai bà làm nghề lái xe chở vật liệu xây dựng. Sáng ngày 9/9, khi anh Chiến đang lái xe qua cầu Phong Châu thì cầu bất ngờ sập.

Bà Hoa chia sẻ, nước sông Hồng bắt đầu rút nhanh. Lực lượng cứu hộ cũng đã khảo sát, tìm kiếm. Gia đình chỉ mong sớm tìm thấy em trai bà để đưa về lo hậu sự.

Không chỉ bà Sáu và bà Hoa, gần 1 tuần nay, luôn có hàng chục người thân của các nạn nhân mất tích lui tới, ngóng chờ tin tức. Sáng sớm ngày 14/9, nhiều người nhà của các nạn nhân đã đến chiếc bàn thờ tạm được đặt cạnh cầu để thay bình hoa, sắp xếp lại hoa quả và thắp hương, cầu mong sớm tìm được người thân.