Phân khúc bất động sản nào thu hút nhiều “đại bàng” trong năm 2024?

Các chuyên gia cho rằng, mảng bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc sáng nhất trên thị trường, liên tục đón “đại bàng” về làm tổ. Theo PwC, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, trong vòng 5 năm qua tăng trưởng khu công nghiệp khoảng 15%, còn phân khúc khác như nhà xưởng, nhà kho quy mô cũng đã tăng hơn 2 lần từ 2018 đến nay. Đây là phân khúc sáng nhất trên thị trường, liên tục đón “đại bàng” về làm tổ.

Điển hình, các khu công nghiệp Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu từ sớm như Panasonic (1971), LG Display (1995), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013), Canon (2001), Foxconn (2007) và gần đây là các tập đoàn như Jinko Solar, Pegatron, Goertek.

Bất động sản công nghiệp thu hút nhiều "đại bàng" đầu tư (Ảnh minh họa).

Trước đó, đầu tháng 11/2022, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã khởi công xây dựng nhà máy có vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Tân Uyên, Bình Dương - một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương và cũng là một trong những dự án lớn nhất của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam.

Dự án  có quy mô 44ha nằm trong khu VSIP 3 thuộc phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên đã được UBND tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư hồi tháng 3/2022. Điều đáng mừng, dự án VSIP 3 vừa khởi động đã có dự án lớn của Lego đăng ký “làm tổ” cho thấy sức hút của bất động sản công nghiệp - phân khúc được đánh giá sáng nhất trên thị trường bất động sản năm 2023.

Bà Trang Bùi cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và đây chính là thời cơ vàng để tăng GDP của vùng. Đặc biệt vừa qua trong chuyến thăm của tổng thống Biden đã mang đến thỏa thuận về hợp tác toàn diện, và phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa 2 quốc gia. Cơ hội cho bất động sản công nghiệp không chỉ đến từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng mà còn nhờ hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bên cạnh các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.

Theo thống kê, đến năm 2023, Việt Nam có 397 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 122.900ha. Trong đó, 292 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất hơn 87.100ha, 106 khu công nghiệp khác đang được xây dựng với tổng diện tích đất 35.700ha. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên toàn quốc có tỷ lệ cao, trên 80%, trong đó các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 91% và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83%.

Dù cơ hội để Việt Nam đón dòng đầu tư dịch chuyển là rất lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng, thách thức cũng không hề nhỏ. Trong đó, giá đất tăng, hạ tầng chưa đồng bộ, năng suất lao động và những bất ổn toàn cầu đang kìm đà tăng trưởng của thị trường khu công nghiệp.