Liên tiếp các vụ cháy ô tô
Vào khoảng 10h25 ngày 5/3, một chiếc xe tải đang di chuyển trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội), hướng về nút giao Nguyễn Xiển bất ngờ bốc cháy. Một nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, khói và lửa xuất phát từ dàn nóng điều hòa của xe tải.
Ngay khi phát hiện cháy, tài xế nhanh chóng rời khỏi xe. Những người dân quanh đó cũng đã dùng bình chữa cháy mini để dập lửa. Sau khoảng 10 phút, đám cháy được kiểm soát, không để cháy lan sang phần đầu xe. Phương tiện không bị hư hại nghiêm trọng. Tài xế sau đó đã điều khiển xe rời khỏi hiện trường.

Khoảng 17h ngày 4/3, một vụ cháy xe ô tô bán tải cũng đã xảy ra trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội). Vào thời điểm trên, anh N.V.H. (SN 1984) đang điều khiển chiếc ô tô bán tải thì bất ngờ ngửi thấy mùi khét từ trong xe. Ngay lập tức, anh cho xe đỗ sát lề đường, mở cửa bước ra thì phát hiện phần nắp capo của xe đang cháy.
Sau khi nhận được thông tin, các tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 14 đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng người dân và lực lượng chức năng tiến hành chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và phân luồng giao thông. Đến khoảng 17h55, đám cháy được khống chế hoàn toàn. Tại hiện trường, chiếc xe ô tô bán tải đã bị thiêu rụi hoàn toàn, chỉ còn lại phần khung.
Trước đó, vào 18h30 ngày 24/2, anh V.V.T. (SN 1997, quê Nam Định) điều khiển xe tải cẩu tự hành di chuyển trên đại lộ Thăng Long. Khi đến gần cổng làng Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh phát hiện xe có dấu hiệu chập điện. Anh đã tắt máy, xuống kiểm tra. Lúc này, ngọn lửa bất ngờ bùng lên từ cabin, rồi lan nhanh ra phần đầu xe.
Vụ cháy xảy ra vào giờ cao điểm, gây ùn tắc giao thông trên đại lộ Thăng Long, đặc biệt là hướng từ nội thành về huyện Hoài Đức. Ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 đã nhanh chóng có mặt, phân luồng giao thông và phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để dập tắt ngọn lửa.
Đến khoảng 18h50, đám cháy đã được khống chế. May mắn, sự cố không gây thiệt hại về người, tuy nhiên phần đầu xe đã bị cháy rụi hoàn toàn.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP. Hà Nội), những năm gần đây, hơn 70% các vụ cháy xe ô tô và xe máy vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây cháy. Những đám cháy này thường xảy ra một cách đột ngột, gây hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục.
Hiện tượng cháy xe không chỉ xảy ra với các phương tiện cũ mà còn có thể xảy ra với những xe mới. Cháy có thể xảy ra ngay khi xe vừa khởi động, khi đang di chuyển, hoặc khi xe dừng lại, kể cả khi xe đỗ trong nhà hoặc tại các khu vực công cộng.

Trong khi đó, Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến cháy xe ô tô thường do rò rỉ trong hệ thống đường dẫn nhiên liệu, lỗi hệ thống điện, pin của xe điện hoặc xe hybrid (nếu là xe điện, xe hybrid), động cơ bị quá nhiệt...
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể liên quan đến các hoạt động dân sinh như việc phơi rơm rạ dọc đường, tạo ra các vật liệu dễ cháy khi tiếp xúc với các bộ phận có nhiệt độ cao của xe.
Một kỹ thuật viên tại garage sửa chữa ô tô cho hay, các sự cố liên quan đến hệ thống điện trên ô tô có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như chuột cắn dây điện hoặc thợ sửa xe không siết chặt ốc làm mát. Đối với những chiếc xe ô tô cũ, khi lắp thêm phụ kiện, việc cắt nối, quấn và bọc dây điện có thể khiến hệ thống điện bị quá tải. Ngoài ra, khi xe di chuyển vào vùng ngập nước, các điểm đấu nối và giắc cắm bị nhiễm nước cũng có thể dẫn đến hiện tượng chập điện, gây ra cháy nổ.
Về nguyên nhân động cơ ô tô bị quá nhiệt, khi động cơ quá nóng, các chi tiết nhựa và vòng đệm cao su trong khoang động cơ có thể dễ dàng bị nóng chảy, gây rò rỉ nhiên liệu và dẫn đến cháy nổ.
Nguyên nhân khiến động cơ bị quá nhiệt có thể là do thiếu nước làm mát, két nước bị bẩn, van hằng nhiệt bị lỗi, quạt két nước bị trục trặc, bơm nước làm mát yếu hoặc hỏng, thiếu dầu động cơ, hoặc thời tiết quá nóng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc cẩu thả và không bảo dưỡng xe định kỳ cũng là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cháy xe. Ngoài ra, chất lượng nhiên liệu cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào nguy cơ cháy nổ. Trong nhiều trường hợp, xăng dầu có thể bị nhiễm tạp chất, pha chế hoặc phối hợp thêm nhiều hóa chất, khiến xăng bay hơi nhanh hơn bình thường. Điều này không chỉ làm hư hại động cơ mà còn làm tăng nguy cơ cháy nổ khi xăng hoặc dầu tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc tia lửa.
Để phòng ngừa tình trạng cháy xe ô tô, Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, chủ xe cần thực hiện bảo dưỡng xe định kỳ và kịp thời thay thế các phụ tùng đã bị lão hóa do sử dụng lâu dài, nhằm đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt.
Đặc biệt, chủ xe không nên độ chế hay lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe (như đèn, loa...) mà không theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, việc vận hành xe trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao cũng cần hạn chế. Cần cho xe thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Chủ xe nên sử dụng nhiên liệu đạt tiêu chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp và tránh sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng nhiên liệu, đảm bảo các cây xăng cung cấp nhiên liệu đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Khi di chuyển qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ hay rác nilon, chủ xe cần thận trọng. Thực tế cho thấy nhiều vụ cháy xe xảy ra khi đi qua những khu vực phơi rơm rạ.
Nếu không may xảy ra cháy nổ xe, cần nhanh chóng đưa người trong xe ra ngoài, tắt khóa điện, đỗ xe ở nơi vắng người qua lại và cách xa các khu vực dễ cháy như cây xăng hay bếp lửa. Với những xe có thiết kế khóa xăng, cần khóa ngay bình xăng nếu có thể. Đồng thời, sử dụng bình chữa cháy, cát hoặc nước để dập tắt đám cháy.
Đồng thời, liên hệ ngay với số điện thoại 114 để kêu gọi sự trợ giúp từ lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Nếu không thể dập tắt đám cháy, cần nhanh chóng rời xa phương tiện đang cháy để đến vị trí an toàn.