Pin thải độc hại: Cần thêm nhiều điểm thu gom ở đô thị

Pin nằm trong danh mục rác nguy hại, phải có quy trình xử lý đặc biệt, chỉ những đơn vị được Nhà nước cấp phép mới được xử lý pin đã qua sử dụng. Nhưng đến nay, chưa có đơn vị nào chính thức nhận pin cũ từ cộng đồng.

Cần có thêm nhiều điểm gom pin thải sinh hoạt

Nhiều năm tự phân loại và cất riêng các loại pin hỏng, đồng thời nhặt thêm từ những nơi khác, Triệu Thị Thủy Tiên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã gom được hơn 300 viên pin cũ. Thủy Tiên cho biết, từ thời học sinh, cô đã được tiếp cận nhiều nguồn thông tin về sự độc hại của mỗi viên pin khi bị vứt bỏ bừa bãi ra môi trường. Từ đó, cô luôn chủ động cất gọn pin thải để đưa đến những điểm gom tập trung.

Thủy Tiên thường sử dụng các chai nhựa rỗng để đựng pin cũ, vừa gọn gàng vừa giảm nguy cơ chúng phát thải các loại chất độc ra khi để lâu trong môi trường có độ ẩm cao. Cô còn vận động người thân, bạn bè thu gom pin hỏng, không vứt chung vào rác thải sinh hoạt mà đưa đến các điểm tập kết pin cũ để tái chế.

pin-1719308950.jpg
Pin nằm trong danh mục rác nguy hại

Thủy Tiên chia sẻ, bản thân cô nhận thức được tác động của pin cũ tới môi trường và sức khỏe nên quyết định sống "xanh" hơn. Cô hi vọng đây không phải là một phong trào nhất thời, mà sẽ thành thói quen tốt của mỗi người.

Phan Hoàng Minh (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) chia sẻ, đa phần sinh viên thường mua các loại pin có giá rẻ vì hợp túi tiền nhưng thời gian sử dụng ngắn. Trước đây, khi những viên pin này hết điện, Minh vứt luôn vào thùng rác. Tới khi đọc được thông tin độc hại của pin thải, Minh đã gom lại. Đoàn thanh niên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 3 tháng tổ chức thu gom pin cũ một lần nên Minh mang pin thải tới đây.

Nhiều tháng nay, chị Nguyễn Hồng Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và đồng nghiệp cùng tổ chức thu gom pin cũ. Ban đầu, chị Hồng Vân khởi xướng, sau đó phong trào thu gom pin được 100% đồng nghiệp ủng hộ. Đến nay, số pin mà chị Vân cùng đồng nghiệp thu gom được lên tới hàng trăm viên.

Chung cư nhà chị Vũ Hồng Huệ (Gia Lâm, Hà Nội) mỗi năm tổ chức 2 đợt gom pin thải. Ban quản lý khuyến khích cư dân tích pin thải lại, đến ngày thì mang xuống sảnh chung cư cho đội thu gom.

Còn tại thôn Nhuệ (Hoài Đức, Hà Nội), việc thu gom pin cũ đã được tất cả các hộ dân đồng tình hưởng ứng thông qua mô hình Ngôi nhà của pin. Theo kế hoạch, mỗi tháng, cán bộ thôn cùng đoàn viên thanh niên sẽ tổ chức đi thu gom pin tại các Ngôi nhà của pin, rồi chuyển đến các địa điểm tái chế trên địa bàn.

pin-2-1719308950.jpg
Mô hình Ngôi nhà của pin được người dân rất hưởng ứng (Ảnh: Minh Hà)

Đến nay, hàng nghìn viên pin đã được thu gom, xử lý theo cách này. Đặc biệt, hoạt động còn giúp hình thành thói quen mới trong phân loại rác thải tại thôn, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, không phải địa phương, khu dân cư nào cũng có nơi thu gom pin. Bà Nguyễn Thị Thanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị cao huyết áp nên thường phải sử dụng máy đo huyết áp chạy bằng pin. Mỗi tuần, gia đình bà sử dụng ít nhất từ 6 - 8 viên pin tiểu. Chưa kể, đồ chơi điện tử của cháu và đài của vợ chồng con trai bà cũng dùng pin.

Thấy nhiều thông tin về pin thải độc hại cho môi trường, bà Thanh cũng tích pin lại. Nhưng rồi, tại khu dân cư nơi bà sống không có điểm thu gom pin thải, bà cũng không biết địa chỉ thu gom nào. Thế nên, bà lại vứt chúng vào thùng rác.

Ông Phạm Hoàng Hải (quận Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên bỏ pin vào thùng rác. Ông bảo, mỗi nhà, thỉnh thoảng chỉ có 2-3 cục thôi, không đáng kể nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Ở đây, cũng không thấy có đơn vị thu gom pin thải nào.

Độc hại cho đất tới 50 năm

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, các hóa chất có trong pin như chì, thủy ngân và cadmium có khả năng gây ô nhiễm môi trườn,g ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong suốt quá trình sản xuất cũng như thải bỏ.

Nếu bị chôn lấp bừa bãi, các hóa chất trong pin có thể thấm vào đất, gây ô nhiễm đến nguồn nước và đất đến 50 năm. Trường hợp được xử lý bằng đốt, các hóa chất có thể gây ô nhiễm không khí và trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe con người. Chưa kể đến, nguy cơ gây cháy nổ khi đốt rác có chứa pin đã qua sử dụng, đặc biệt pin lithium-ion của điện thoại di động.

pin-1-1719308950.jpg
Nhiều người dân đã hình thành thói quen đem pin thải đến những điểm thu gom tập trung (Ảnh: Hoài Nam)

Do đó, việc tạo ra phong trào thu gom pin không chỉ hạn chế được số lượng pin bị vứt bừa bãi, mà còn góp phần nâng cao ý thức của mọi người, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường sống. Sự độc hại của pin thường xuyên được các phương tiện truyền thông đăng tải và kêu gọi người dân không vứt bỏ pin vào thùng rác. Mưa dầm thấm đất, sau nhiều năm, ở nước ta đã hình thành được một bộ phận người dân rất có ý thức trong vứt bỏ pin thải.

Pin nằm trong danh mục rác nguy hại và phải có một quy trình xử lý khá đặc biệt, chỉ có những đơn vị được Nhà nước cấp phép mới được xử lý pin đã qua sử dụng. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm phải thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng của nhà sản xuất, nhập khẩu pin nhưng chưa có đơn vị nào chính thức nhận pin cũ từ cộng đồng.