Sẽ nghiên cứu để xác định ngưỡng nợ thuế phù hợp

Tổng cục Thuế thừa nhận, việc xác định ai thực sự phải chịu trách nhiệm với khoản nợ là một "vấn đề cần được cân nhắc và nghiên cứu". Sắp tới, cơ quan này sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền về việc xác định ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng khi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Lũy kế, từ đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành tổng cộng 23.747 thông báo tạm họa xuất cảnh với số tiền nợ là 50.665 tỷ đồng.

Cơ quan thuế sẽ nghiên cứu mức nợ thuế với từng đối tượng

Tổng cục Thuế đánh giá, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh mang lại hiệu quả khi trong tháng 9, đã thu được 1.844 tỷ đồng nợ thuế từ 2.873 người bị tạm hoãn xuất cảnh. Trong tháng 8, số tiền thuế thu được là 1.341 tỷ đồng từ 2.116 người. Đặc biệt, cơ quan thuế đã thu được 46,7 tỷ đồng nợ thuế từ 650 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế nhằm thu hồi nợ, đảm bảo lợi ích cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngành thuế cũng thừa nhận, đã có những bất cập khi triển khai biện pháp này.

Cụ thể, hiện nay, các quy định không nêu rõ ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, nghĩa là chỉ cần nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên tình hình thực tế của từng trường hợp.

thu-thue-1728519254.jpg

Phần lớn nguồn thu từ thuế là do người dân đóng góp, thể hiện qua các loại thuế gián thu

Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền về việc xác định ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng khi áp dụng biện pháp này. Bên cạnh ngưỡng nợ thuế, nhiều ý kiến cho rằng khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cần cân nhắc vì họ có thể chỉ là nhân viên làm thuê, không phải chủ sở hữu hay cổ đông của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và người nộp thuế cũng cho rằng các quy định hiện tại về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh chưa thực sự hỗ trợ khi họ gặp khó khăn tài chính tạm thời. Đáp lại, Tổng cục Thuế trích dẫn Luật Doanh nghiệp, khẳng định rằng người đại diện pháp luật là cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.

Cơ quan này cũng cho biết, ngành thuế đã tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc cho phép nộp dần tiền nợ, không tính lãi chậm nộp và gia hạn thuế. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế thừa nhận, việc xác định ai thực sự phải chịu trách nhiệm với khoản nợ là một "vấn đề cần được cân nhắc và nghiên cứu."

Vì vậy, cơ quan này cho biết sẽ xem xét lại các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh để đảm bảo tính công bằng. Nhất là trong bối cảnh, cơ quan quản lý đang đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất nhập cảnh bao gồm chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, và cá nhân kinh doanh...

Phân định rõ chây ì và gặp khó khăn để đưa ra quyết định

Trong thời gian gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp ngỡ ngàng khi đến sân bay làm thủ tục xuất cảnh mới ngỡ ngàng khi biết tên mình nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Sự bất ngờ càng lớn khi số tiền nợ thuế chỉ dao động 2,8 triệu đồng đến hơn 8 triệu đồng, thậm chí có trường hợp chưa đến 1 triệu đồng, khiến không ít người cảm thấy khó chịu.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên cao cấp về thuế tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ nhận định, tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vì nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân.

xuat-canh-1728519239.webp

Con số hơn 20.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là rất lớn (ảnh minh họa)

“Phần lớn nguồn thu từ thuế là do người dân đóng góp, thể hiện qua các loại thuế gián thu. Khi người dân mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ, trong giá đó đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... Doanh nghiệp có trách nhiệm thu và nộp thay cho người tiêu dùng. Vì vậy, khi đến kỳ hạn, doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đó vào ngân sách và không được phép chiếm dụng. Tiền thuế này được sử dụng để chi trả cho các hoạt động an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh... nên lợi ích của Nhà nước phải được đặt lên hàng đầu”, ông Tú lý giải.

Ông Tú cho rằng, con số hơn 20.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là rất lớn. Do đó, cơ quan thuế cần phân tích để xác định bao nhiêu trong số đó là những trường hợp cố tình không nộp, chây ỳ hoặc bỏ trốn, và bao nhiêu trường hợp nợ thuế do gặp khó khăn khách quan. Điều này nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp, đảm bảo việc thu hồi nợ thuế cho ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM nhận xét, nhiều doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh chỉ vì khoản nợ thuế rất nhỏ, gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

Đồng tình, TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính cho rằng, thiệt hại lớn nhất đối với các chủ doanh nghiệp là mất chữ tín, do không thể có mặt đúng lúc để ký hợp đồng, gặp gỡ đối tác, dẫn đến những hệ quả như phải đền bù hợp đồng hoặc tăng chi phí thực hiện hợp đồng. Thực tế, quy định này là cần thiết nhưng còn cứng nhắc, việc cấm xuất cảnh vì khoản nợ thuế chỉ vài trăm ngàn đồng là chưa phù hợp với thực tế.