Số hóa ngành ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2024, tỉ lệ giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 54,42% về giá trị, tăng 6,02% về số lượng; qua hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 34,96% về giá trị, tăng 51% về số lượng.

Trong những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được đánh giá là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại. Ở Việt Nam, hoạt động này cũng đã có bước phát triển vượt bậc nhờ quá trình mở rộng, phát triển các dịch vụ ngân hàng số.

Mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 là phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép người dùng thực hiện hoàn toàn trên kênh số, 70% số lượng giao dịch được thực hiện thông qua các kênh số, 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa.

thanh-toan-khong-dung-tien-mat-2-1709897728.jpeg
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu và ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy TTKDTM như Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code….Bên cạnh đó, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế nhằm tạo ra các sản phẩm số an toàn, thiết thực. Đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội.

Mặc dù được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng nhưng thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Do tỉ lệ bao gồm tài chính thấp nên nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào tiền mặt, việc sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến trong các giao dịch dân sự đặc biệt ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, ngay cả ở trong các giao dịch thương mại điện tử, đa phần người dân vẫn thực hiện mua sắm bằng hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD), chiếm khoảng 85% tổng số giao dịch. Nguyên nhân được cho là do thói quen tiêu dùng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi thực hiện mua sắm trực tuyến.

Thứ hai, môi trường pháp lý trong lĩnh vực này chưa hoàn thiện và đồng bộ. Các chính sách về thanh toán điện tử ra đời chưa mang tính đột phá, chưa được luật hóa. Chẳng hạn, những dịch vụ thanh toán điện tử mới như tiền ảo, tiền kỹ thuật số…ra đời nhưng chưa thiết lập được hành lang pháp lý cụ thể.

Thứ ba, sự liên kết trên phạm vi rộng giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ chưa chặt chẽ, rộng khắp. Bởi vậy, việc áp dụng các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt còn khó khăn khi người dân chưa đủ kiến thức, kỹ năng và sở hữu các phương tiện để thực hiện thanh toán.

Thứ tư, chưa có sự liên kết giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp TTKDTM. Hiện tại, các đơn vị này đều tự xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán tại điểm chấp nhận thanh toán mà chưa phối hợp chia sẻ với nhau. Điều này dẫn đến việc lãng phí, sử dụng không hiệu quả hạ tầng. Thực tế, trên thị trừng có khoảng 50-60 ví điện tử nhưng mỗi ví lại sử dụng một mã QR Code riêng. Chính bởi vậy, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đa dạng loại hình nhưng chưa tạo lập được hệ thống liên thông giữa các sản phẩm, dịch vụ.

smartpay-khuyen-khich-thanh-toan-khong-tien-mat-tai-cua-hang-1-1709897602.png
Thanh toán bằng QR Code được đánh giá là thế mạnh khi mua bán trực tiếp

Thứ năm, nguy cơ lừa đảo, gian lận đang có xu hướng tăng. Juniper Research cảnh báo tội phạm ở lĩnh vực này đang có xu hướng di chuyển địa bàn hoạt động sang thị trường Châu Á. Ở khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia thì Việt Nam được dự báo có thể là đích ngắm của giới tội phạm.

Để gia tăng tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt song song mở rộng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam, một số giải pháp được đưa ra bao gồm:

Một là, Ngân hàng Nhà nước chủ động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành liên quan đặc biệt trong việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Hai là, đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về căn cước công dân qua đó hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử.

Ba là, các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số.

Bốn là, các ngân hàng có chiến lược cụ thể để tiếp tục đầu tư các nguồn lực phát triển hạ tầng số, chia sẻ dữ liệu với các ngành khác. Hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác bảo mật…

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen người tiêu dùng và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Theo một số chuyên gia, phát triển công nghệ ngân hàng số là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy mở rộng TTKDTM khi mang tới những giải pháp tài chính số nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí.