Số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP. HCM cho thấy, từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/1, các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận 94 ca Covid-19 điều trị nội trú đến từ TP. HCM và một số tỉnh thành khác.
Dù không có bệnh nhân tử vong do Covid-19 nhưng vẫn có tới 17 ca chuyển biến nặng phải thở oxy. Đáng nói, các ca chuyển biến nặng đều thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm đủ các mũi vaccine Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM kết hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) đã lấy mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị trong tháng 12/2023 để giải mã trình tự gen. Kết quả cho có 12 trường hợp (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, 1 trường hợp nhiễm biến thể JN.1.1, 2 trường hợp nhiễm BA.2.86.1 và 1 ca nhiễm biến thể XDD.
Biến thể phụ JN.1 được CDC Mỹ báo cáo phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ trong tháng 12/2023. TP. HCM là địa phương đầu tiên phát hiện biến thể phụ này tại Việt Nam. 6 tuần gần đây, số ca Covid-19 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có xu hướng gia tăng. Thế nên ngay khi phát hiện ra biến thể phụ JN.1, Sở Y tế TP. HCM đã đưa ra cảnh báo tới người dân.
JN.1 có nguồn gốc từ BA.2.86, biến chủng phụ của Omicron. JN.1 sở hữu một đột biến khác biệt ở protein gai (chịu trách nhiệm xâm nhập và lây nhiễm tế bào) và các đột biến tại những vùng khác. JN.1 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là "biến thể đáng quan tâm" vì lây lan nhanh và chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu. Theo dữ liệu mới nhất từ Anh, đây là biến chủng tăng trưởng nhanh nhất, với tốc độ hàng tuần là 84,2%.
5 triệu chứng phổ biến nhất khi mắc JN.1 là sổ mũi, đau họng, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ và bồn chồn. Các biểu hiện khác là sốt kèm đau cơ, ăn không ngon, mệt mỏi, buồn nôn và ói mửa, ho dai dẳng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra mức độ nghiêm trọng của người bệnh sau khi lây nhiễm JN.1. Nhưng nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Cell đầu tháng 1 cho thấy, JN.1 có thể lây nhiễm vào các tế bào vùng dưới phổi, khiến các triệu chứng bệnh nặng hơn. Do vậy, khi có dấu hiệu nhiễm JN.1, người dân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Chỉ hơn mười ngày nữa là Tết Nguyên đán 2024, người dân không nên lơ là chủ quan, cần tuân thủ các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi…