Thu nhập tăng thêm và mong mỏi của hơn 8.500 giáo viên bị “bỏ sót”

avatar
Là một viên chức giáo dục tại Thủ đô, thầy Nguyễn Văn Đường rất vui khi biết Hà Nội có nghị quyết về thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Tuy nhiên, giống như nhiều đồng nghiệp khác không được hưởng chế độ này, thầy cảm thấy tiếc nuối và chạnh lòng.

Bản kiến nghị của hàng nghìn giáo viên

Cuối năm 2024, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 46 quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mức chi thu nhập tăng thêm được xác định là 0,8 lần lương cơ bản, bao gồm 0,5 lần chi hàng tháng và 0,3 lần vào cuối năm.

Mức chi thu nhập tăng thêm sẽ được xác định dựa trên năng lực và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, với việc đánh giá do Thủ trưởng đơn vị thực hiện theo quy định. Mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm trong năm 2025 là 0,8 lần quỹ lương cơ bản.

thu-nhap-1-1741435353.jpg
Hàng nghìn giáo viên tại Hà Nội vẫn chưa được hưởng thu nhập tăng thêm (Ảnh minh họa)

Nguồn kinh phí để chi thu nhập tăng thêm này sẽ được lấy từ quỹ cải cách tiền lương còn dư của ngân sách các cấp. Thành phố Hà Nội dự kiến dành khoảng 3.800 tỷ đồng mỗi năm cho chính sách này. Với hệ số lương từ 2,1 - 6,78, giáo viên có thể nhận thêm từ 2,46 triệu đến 7,93 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, chỉ có giáo viên là viên chức của các trường học được nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên mới được hưởng chế độ thu nhập tăng thêm này. Các giáo viên làm việc tại các trường tự bảo đảm chi thường xuyên do tham gia thí điểm mô hình đặt hàng theo giá dịch vụ giáo dục sẽ không được hưởng chế độ này.

Hà Nội hiện có 119 trường THPT thuộc diện tự chủ thường xuyên và 250 trường từ mầm non đến THCS tham gia thí điểm mô hình đặt hàng dịch vụ giáo dục. Như vậy, giáo viên tại các trường này không được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 46 vì không thuộc đối tượng các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên.

Ngoài ra, họ cũng không được hưởng chính sách theo Nghị định 73, ban hành vào tháng 6/2024 của Chính phủ, quy định về tiền thưởng cho quân nhân và công chức, viên chức.

Trong đơn kiến nghị gửi báo chí vào đầu tháng 3, đại diện hơn 8.500 viên chức giáo viên ở Hà Nội đã bày tỏ mong muốn thành phố sẽ xem xét điều chỉnh đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm để đảm bảo sự công bằng.

Nếu được hưởng thu nhập tăng thêm, giáo viên sẽ nhận thêm ít nhất 2,7 triệu đồng mỗi tháng đối với giáo viên hạng III bậc 1 và cao nhất là 7,9 triệu đồng đối với giáo viên hạng I, bậc 8.

Thực tế, nếu không được hưởng chế độ này, các giáo viên làm việc tại các trường tự chủ có thể bị thiệt thòi lên tới vài chục triệu, thậm chí gần trăm triệu đồng mỗi năm so với đồng nghiệp ở các trường chưa tự chủ và các viên chức khác.

Chạnh lòng vì bị “bỏ sót”

Cô Nguyễn Thị Thúy Hiền - giáo viên Tiếng Anh tại Trường THCS Bùi Quang Mại (Đông Anh, Hà Nội) là một trong hàng nghìn giáo viên không được hưởng thu nhập tăng thêm từ thành phố. Cô Hiền chia sẻ, cô đang hưởng lương bậc 8, hệ số 4.65. Với mức thu nhập này, việc trang trải cuộc sống tại Hà Nội - một trong những thành phố có chi phí sống cao nhất cả nước là một áp lực lớn.

Nếu được nhận thêm 4,5 triệu đồng mỗi tháng, đó không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chuyên môn và sáng tạo trong giảng dạy. Cô mong tất cả giáo viên Hà Nội sẽ sớm nhận được sự quan tâm xứng đáng để tiếp tục cống hiến với tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình.

thu-nhap-1741435353.jpeg
Thu nhập tăng thêm không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp giáo viên yên tâm công tác

Thầy Nguyễn Văn Đường (46 tuổi) - giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) cho biết, thầy đã công tác 17 năm, hiện có hệ số lương là 4.0 và thực lĩnh khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng. Thầy không có thu nhập ngoài lương vì ngoài giờ lên lớp, thời gian chủ yếu dành cho việc nghiên cứu tài liệu phục vụ bài giảng.

Trong khi, hàng tháng, thầy phải chi trả tiền thuê nhà, điện nước và nuôi con ăn học. Nếu được hưởng thu nhập tăng thêm, thầy sẽ có thêm vài triệu mỗi tháng để trang trải cuộc sống và có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục.

Là một viên chức giáo dục tại Thủ đô, thầy Đường rất vui khi biết Hà Nội có nghị quyết về thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Tuy nhiên, giống như nhiều đồng nghiệp khác không được hưởng chế độ này, thầy cảm thấy tiếc nuối và chạnh lòng.

Cô P.N - giáo viên tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã công tác trong ngành Giáo dục được 16 năm, hiện mức lương là 6,8 triệu đồng và làm việc 40 giờ mỗi tuần. Nếu được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 46, mỗi tháng cô sẽ nhận thêm khoảng 3,5 triệu đồng.

Cô N. bộc bạch, khi nghị quyết có hiệu lực, cô và nhiều đồng nghiệp mới giật mình nhận ra không phải cán bộ ở trường học nào cũng đều được hưởng thu nhập tăng, cảm giác hụt hẫng và không công bằng thực sự rất rõ rệt.

Một lãnh đạo phòng giáo dục tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, ông cũng đã nắm bắt được tâm tư của nhiều giáo viên khi họ chưa được hưởng thu nhập tăng thêm trong ngành giáo dục. Sự chênh lệch trong chế độ đãi ngộ giữa các nhóm công chức, viên chức có thể ảnh hưởng đến động lực làm việc và sự gắn bó với nghề của các thầy cô.

Chính bản thân vị lãnh đạo này cũng hy vọng rằng, giáo viên Hà Nội sẽ sớm nhận được sự quan tâm xứng đáng để tiếp tục cống hiến hết mình với tâm huyết và trách nhiệm.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trường của cô thuộc diện tự chủ, nhưng vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu nên thu nhập của giáo viên không có sự thay đổi so với trước. Học phí vẫn thu theo quy định, ngân sách cấp không có sự thay đổi.

Các trường tự chủ thường chỉ có nguồn thu từ học phí, nhưng học phí này sẽ được trừ vào dự toán do cấp trên giao và được sử dụng để bổ sung chi phí lương, phát triển sự nghiệp giáo dục, công tác chuyên môn nghiệp vụ… chứ không phải để nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, từ tháng 9 tới, khi chính sách miễn học phí cho học sinh các trường công lập từ mầm non đến THPT trên toàn quốc được thực hiện, các trường này sẽ không còn bất kỳ nguồn thu nào nữa. Vậy nên, thực tế các trường công lập vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước để đảm bảo chi thường xuyên.

Một số giáo viên phản ánh, những quy định hiện hành có thể dẫn đến bất bình đẳng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội. Cùng là viên chức, nhưng có người được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm, người lại bị gạt ra ngoài, trong khi nguồn kinh phí cho các khoản chi này lại được lấy từ cải cách tiền lương còn dư của ngân sách các cấp.

Các giáo viên mong muốn lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ xem xét điều chỉnh đối tượng được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 46 để đảm bảo sự công bằng. Sự chênh lệch trong đãi ngộ giữa các nhóm công chức, viên chức có thể ảnh hưởng đến động lực làm việc cũng như sự gắn bó với nghề.