TP. HCM: Hầu hết đồ ăn bày bán trên vỉa hè không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm

Thực phẩm đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của thực khách. Nhất là mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM đưa ra kết quả xét nghiệm các mẫu đồ ăn, thức uống bày bán trên vỉa hè có tới 70 – 80% bị nhiễm khuẩn.

Các quán ăn vỉa hè, xe bán đồ ăn, thức uống, gánh hàng rong bán đồ ăn là hình ảnh quen thuộc tại khắp các đô thị lớn trên cả nước. Tuy nhiên, chất lượng đồ ăn, đồ uống của những hàng quán này lại thành nỗi lo ngại cho sức khỏe các thực khách.

Bởi, để có lãi, nhiều chủ quán mua nguyên liệu giá rẻ, chất lượng kém, thậm chí đã ôi hỏng về, rồi sử dụng hóa chất tẩy rửa hết mùi ôi thiu, sau đó cho gia vị vào chế biến tạo mùi thơm để đánh lừa thực khách.

Sử dụng thực phẩm hè phố đã thành thói quen của nhiều người

Ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, chỉ cần rẽ qua vài ba con phố là có thể dễ dàng bắt gặp các hàng lẩu, nướng trên vỉa hè. Và tình cảnh chung của các điểm bán hàng này đều khá luộm thuộm, nước thải, giấy ăn, thậm chí là thức ăn thừa… cũng được vất ngay xuống vỉa hè.

Các quán vỉa hè hiện nay thu hút nhiều nhất là học sinh, sinh viên đơn giản vì rẻ. Chỉ cần 10.000 – 20.000 đồng là có ngay món ăn vặt ngon miệng. Với học sinh, sinh viên thì giá này thực sự sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Các bạn trẻ thường tặc lưỡi “chết ngay làm sao được” khi nói về nguy hại của thực phẩm đường phố. Thế nhưng khi ăn những loại thực phẩm “bẩn” này, sức khỏe con người có thể bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến ngộc độc, bệnh tiêu hóa và là tác nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác. Hàng năm, đều có các vụ ngộ độc do ăn thực phẩm đường phố. Theo thống kê của Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia, 30 – 40% bệnh ung thư có nguyên nhân do dùng thực phẩm không an toàn.

Cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm soát thực phẩm hè phố

Cuối năm 2023, Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM đã tiến hành kiểm tra hàng loạt mẫu đồ ăn, thức uống bày bán trên vỉa hè. Kết quả, 70 – 80% mẫu xét nghiệm nhiễm khuẩn. Hàng năm đều có những vụ ngộ độc phải vào viện cấp cứu, thậm chí còn gây tử vong do thực phẩm đường phố mất vệ sinh.

Hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thực phẩm tại những quán ăn có đăng ký kinh doanh, còn những quán ăn vỉa hè, hàng rong thì không thể kiểm soát xể.

Sử dụng đồ ăn, thức uống bán trên vỉa hè đã thành thói quen của nhiều người, muốn thay đổi ngay là điều khó làm được. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Long – Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng nên mua và sử dụng đồ ăn thức uống tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, cống rãnh, có bàn, giá tủ đặt cách mặt đất ít nhất 60cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, tránh bụi bẩn từ mặt đất bám vào thực phẩm.