TP. HCM: Nhức nhối tình trạng chăn dắt trẻ em đi ăn xin

Để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều người giả dạng đi bán tăm bông, bút bi, vé số... nhưng thực chất là xin ăn. Còn các đối tượng chăn dắt thường tổ chức cho trẻ em, người già… hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa.

Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã có văn bản khẩn gửi các cơ quan chức năng về việc tăng cường đợt cao điểm tập trung trẻ em, người lang thang, xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố. Trong văn bản khẩn có nội dung nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu chăn dắt, dụ dỗ trẻ em, người cao tuổi người khuyết tật đi xin ăn để trục lợi, tổ công tác của địa phương xử lý hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.

an-xin-1713172371.jpg
Người ăn xin hay đứng ở các giao lộ

Sau văn bản khẩn này, nhiều trẻ em, người lang thang, xin ăn đã được tập trung về các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Hỗ trợ xã hội hoặc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần.

Nhưng thời gian gần đây, tại nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức) hay ngay khu vực trung tâm các quận 1, 3, 5 lại bắt gặp tình trạng người xin ăn gồm cả người già, người tàn tật và trẻ em...

Anh Nguyễn Thanh Bình (43 tuổi, trú phường Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức) cho biết, vào các khung giờ trưa hoặc từ 22h tại giao lộ của khu vực này xuất hiện nhóm trẻ em từ 7 - 12 tuổi đến xin ăn. Nhóm trẻ chạy ra, chạy vào lúc xe đang lưu thông hoặc đứng ngay giữa lòng đường để xin ăn không chỉ nguy hiểm với chính chúng mà còn nguy hiểm cho cả người tham gia giao thông.

Hay ở giao lộ đèn đỏ ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - D15, D4 (phường Tân Hưng, quận 7), tình trạng này cũng diễn ra vào khung giờ từ 15h chiều hàng ngày. Nhiều người phán ánh, tại đây thường có 2 bé gái khoảng từ 6 - 7 tuổi xin tiền người tham gia giao thông.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cũng xác nhận, thời gian qua trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng chăn dắt trẻ em xin ăn, lao động trẻ em và sử dụng trẻ em vào nhiều mục đích tệ nạn. Để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều người giả dạng đi bán tăm bông, bút bi, vé số... nhưng thực chất là xin ăn.

Các đối tượng chăn dắt thường tổ chức cho trẻ em, người già… hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn để tránh lực lượng chức năng.

an-xin-1-1713172371.jpg
Nếu phát hiện đối tượng chăn dắt trẻ em, người dân ngay lập tức báo về Tổng đài 111

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, một số địa phương quản lý người lang thang, xin ăn còn chưa quyết liệt, thường xuyên và liên tục dẫn đến tình trạng này cứ tái diễn. Do đó, Sở đề nghị người dân khi phát hiện những đối tượng chăn dắt người lang thang, xin ăn thì báo ngay cho công an địa phương và tổ công tác để kịp thời xử lý. Trường hợp chăn dắt trẻ em, người dân ngay lập tức báo về Tổng đài 111.

Ngoài ra, vào ngày 11/4, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, Sở đã đề nghị công an phối hợp với các lực lượng chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn triệt để nạn chăn dắt trẻ em.

Về phía Công an TP. HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu cho hay, cơ quan này sẽ rà soát, nắm tình hình người ăn xin, người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn, để kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các trường hợp mua bán người.

Một cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM thừa nhận, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ nhận thức một bộ phận người dân thành phố vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn mà không thông qua cơ quan chức năng. Do đó, nạn chăn dắt trẻ em thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp.