Chỉ thẳng tên phòng khám vi phạm
Ngày 16/12, Sở Y tế TP. HCM cho biết, 2 tuần đầu tháng 12/2024, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và ban hành nhiều quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, từ phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất một số phòng khám có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Như vào ngày 12/12, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra Phòng khám Y học cổ truyền (thuộc hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Heart and Hand, địa chỉ 173/114 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú).
Kết quả cho thấy, phòng khám này có 6 sai phạm gồm: Không lập hồ sơ bệnh án ngoại trú chuyên khoa y học cổ truyền; không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo; biển hiệu không đầy đủ thông tin theo quy định; người hành nghề không có Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không đảm bảo điều kiện hoạt động sau khi được cấp giấy phép khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động không đúng thời gian ghi trong giấy phép.
Tại Phòng khám đa khoa Hồng Cường (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10), qua kiểm tra vào ngày 4/12, thanh tra phát hiện các sai phạm liên quan đến: Đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; lập và lưu trữ hồ sơ bệnh án; quảng cáo tại phòng khám.
Phòng khám này đã vi phạm nhiều lần trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và có nhiều đơn thư phản ánh của người dân, vì vậy Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã đưa cơ sở này vào danh sách kiểm tra và giám sát thường xuyên để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Tiếp theo, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành đối với Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Hoàn Cầu) tại địa chỉ 80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5, TP. HCM.
Phòng khám này bị phạt 44,7 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong 3 tháng do các vi phạm: Nhân viên y tế không đeo biển tên, sổ khám bệnh không ghi chép đầy đủ và quảng cáo dịch vụ khám bệnh thiếu thông tin về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép.
Trước đó, vào ngày 8/8, phòng khám này cũng đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 32 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong 1 tháng vì vi phạm trong quảng cáo.
Các phòng khám trên đều có hành vi vi phạm lặp lại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và đã nhận nhiều phản ánh từ người dân. Thanh tra Sở Y tế đã đưa các cơ sở này vào danh sách giám sát và kiểm tra định kỳ để đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế cũng đã xử phạt chủ hộ kinh doanh Nice Smile One (số 2 Bis Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình) với mức phạt 7,5 triệu đồng. Người phụ trách chuyên môn của cơ sở này bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong 2 tháng vì không có mặt tại cơ sở trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền.
Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam (chi nhánh TP. HCM tại địa chỉ 68 đường 3/2, phường 12, quận 10) cũng bị xử phạt 42 triệu đồng vì các hành vi lập sổ khám bệnh, chữa bệnh trái quy định và sai phạm trong quảng cáo.
Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo, người dân khi chọn cơ sở y tế để sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thẩm mỹ... cần tìm hiểu và kiểm tra thông tin kỹ lưỡng trước khi quyết định. Người dân có thể tra cứu thông tin các cơ sở khám chữa bệnh tại địa chỉ: https://tracuu.khambenh.gov.vn.
Khi phát hiện cơ sở y tế hoạt động không phép, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh, người dân có thể liên hệ ngay đường dây nóng: 0989.401.155 hoặc tải ứng dụng "Y tế trực tuyến" để cung cấp thông tin, hỗ trợ Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời.
Phòng khám mạo danh bệnh viện
Liên quan đến các phòng khám tư, Sở Y tế TP. HCM từng cho biết, trong những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, trong số đó có một số phòng khám lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, sử dụng tên gọi gây hiểu lầm cho cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, một số cơ sở thêm từ "bệnh viện" vào biển hiệu, khiến người dân nhầm lẫn và đến khám chữa bệnh mà không kiểm tra kỹ lưỡng liệu đó có phải là bệnh viện hay không.
Hiện nay, TP. HCM có ít nhất 184 doanh nghiệp tư nhân đăng ký sử dụng cụm từ "bệnh viện" trong giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư, dù không hoạt động theo mô hình bệnh viện. Một số trường hợp này buộc Sở Y tế TP. HCM cấp phép cho cơ sở với tên gọi có từ "bệnh viện" do phòng khám đã đăng ký theo tên của doanh nghiệp in trong giấy chứng nhận kinh doanh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, qua kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế TP. HCM, có 10 cơ sở sử dụng chữ "bệnh viện" trong tên doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật và bị xử lý vi phạm hành chính. Các cơ sở này bao gồm 6 phòng khám chuyên khoa, 3 phòng khám đa khoa, 1 cơ sở chăm sóc da và 1 cơ sở hành nghề thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.
Trước tình hình này, Sở Y tế kiến nghị các bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định pháp lý về việc đặt tên cơ sở y tế, nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng tên gọi "bệnh viện".
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 96 năm 2023 của Chính phủ đã quy định rõ các hình thức tổ chức và điều kiện cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh. Điều kiện cấp phép cho "bệnh viện" và "phòng khám" có sự khác biệt về quy mô, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân sự và các yếu tố khác. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của từng cơ sở y tế.
Vì vậy, việc các phòng khám sử dụng từ "bệnh viện" trong tên gọi không chỉ sai với chức năng, nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi và niềm tin của người dân.