Chiều 10/10, trong buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, đại diện Công an TP. HCM đã thông tin về tình trạng xe ôm truyền thống giả danh xe ôm công nghệ để chèo kéo và gian lận tiền cước của khách hàng.
Cụ thể, Công an quận Tân Bình đã điều tra hai trường hợp tự xưng là "Dũng" và "Cường" có hành vi giả danh xe ôm công nghệ để "chặt chém" khách với giá cước gấp nhiều lần so với mức niêm yết trên ứng dụng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Những thông tin này đã được phản ánh qua các phương tiện truyền thông, kèm theo hình ảnh và video.
Khi được mời tới trụ sở công an làm việc, "Dũng" (tên thật V.N.T., SN 1972, quê Bình Phước) và "Cường" (tên thật N.V.Đ., SN 1988, quê Vĩnh Long) đã thừa nhận các hành vi nêu trên.
T. và Đ. đã nhiều lần bị xử phạt bởi các hành vi vi phạm như dừng, đỗ xe mô tô ở nơi có biển cấm và chèo kéo khách gây rối trật tự công cộng. T. bị xử phạt 3 lần với tổng số tiền 1.050.000 đồng, trong khi Đ. bị xử phạt 7 lần với tổng số tiền 2.450.000 đồng.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho biết, ngoài T. và Đ., còn khoảng 8 người hành nghề xe ôm tại khu vực bãi đệm dành cho phương tiện xe mô tô đón khách tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất cũng có dấu hiệu giả danh xe ôm công nghệ bằng cách mặc áo khoác của các hãng xe công nghệ.
Trước đó, Báo Tuổi trẻ đã có bài viết phản ánh về tình trạng này, nêu rõ thủ đoạn của các đối tượng. Điển hình như sáng ngày 3/10, thấy khách vừa ra khỏi nhà giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất, T. đã nhanh chóng tiếp cận hỏi cần đi đâu.
Khách nói đến chợ Bến Thành (quận 1), T. lấy điện thoại bấm, rồi báo giá 193.000 đồng. Trong khi đó, với quãng đường trên, app của Grab báo giá chỉ 40.000 đồng. Như vậy, T. đã báo giá cao hơn gấp hơn 4,8 lần giá cuốc xe của hãng. Khi hỏi app T. vừa cho xem là app nào thì ông này nói: "App Grab mà, anh chạy Grab thì đi app Grab". Khoảng cách từ sân bay đến chợ Bến Thành khoảng 7,2km.
Chiều cùng ngày, với chiêu thức cũ, T. báo cho một vị khách đi từ sân bay về công viên Tao Đàn (quận 1) với giá 156.000 đồng, trong khi giá qua app Grab chỉ 42.000 đồng. Khi bị chê giá cao, T. lấy lý do “có bữa khuyến mãi, bữa không”. Sau đó, T. đổi giọng mời chào: "Nếu em tự đặt xe rất lâu mới có xe, do em đang sử dụng khuyến mãi, giờ đang giờ cao điểm, đường kẹt cứng, em chờ lâu lắm á".
Hay vào sáng ngày 5/10, trong màu áo xanh giống đồng phục hãng xe công nghệ, Đ. mở điện thoại bấm bấm rồi báo quãng đường từ sân bay đến cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12) cho khách là 12 km, giá 180.000 đồng. Nhưng thực tế, quãng đường chỉ khoảng 9,6km, giá của Grab là 49.000 đồng.
Để triệt để khắc phục tình trạng mạo danh xe ôm công nghệ và "chặt chém" khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, Công an TP. HCM cho biết sẽ thực hiện một số giải pháp sau: Chỉ đạo Công an quận Tân Bình phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường tuyên truyền thông tin đến hành khách qua nhiều hình thức, bao gồm tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, phát loa và đặt bảng cảnh báo tại các khu vực bãi đệm.
Mục tiêu là giúp hành khách nhận diện được các phương thức lừa đảo của xe ôm truyền thống giả mạo xe ôm công nghệ, khuyến khích họ chủ động đặt xe qua ứng dụng.
Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ phối hợp với lực lượng An ninh hàng không, Cảnh sát cơ động, các đội CSGT-TT, Công an Phường 2 và Đội CSGT Tân Sơn Nhất để tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống giả mạo tại khu vực sân bay.
Cùng với lực lượng An ninh hàng không, Thanh niên xung phong, Cảnh sát cơ động, Công an phường 2, Đội CSGT-TT, Đội CSGT Tân Sơn Nhất, sẽ tổ chức các chốt chặn ở cả 2 phía trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất gồm: Một chốt tại khu vực bãi đệm nhà xe TCP và một chốt ở cổng ra vào cảng hàng không trên đường Trường Sơn.
Hai chốt này nhằm ngăn chặn hoạt động của các đối tượng và kịp thời xử lý những vi phạm về dừng, đỗ xe gây cản trở giao thông hoặc chèo kéo khách, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và văn minh đô thị tại khu vực sân bay.