Sáng 12/4, Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch TP. HCM phối hợp Công ty TNHH Saigon Public Transport đã khai trương thí điểm dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan, du lịch tại TP. HCM.
Cụ thể, có 70 xe điện được triển khai tại khu vực quận 1 - quận 4, quận 5 - quận 6. Mỗi xe có sức chở 8 người. Cửa lên xuống và các khung che chắn được thiết kế đảm bảo an ninh và an toàn giao thông trong quá trình vận hành. Các tuyến xe điện này hoạt động từ 6h đến 24h mỗi ngày. Việc thí điểm xe điện này sẽ diễn ra đến hết năm 2025.
Quận 1 và quận 4 sẽ giới hạn phạm vi hoạt động tại các khu vực bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - đường Calmete - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành.
Còn quận 5 và 6 được giới hạn hoạt động quanh các tuyến đường: Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương - Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt.
Mức giá vé dao động từ 120.000 - 250.000 đồng trong 30 phút. Đơn vị vận hành cho hay, giá vé được chia theo hai loại hình là dịch vụ theo giờ và đưa đón tận nơi. Khi khách thuê xe theo chuyến trong 30 phút sẽ có giá 120.000 đồng nếu đi ban ngày và 250.000 đồng (sau 18h) vào ban đêm. Cứ 10 phút tăng thêm, khách sẽ trả thêm 40.000 đồng cho thời gian ban ngày và 80.000 đồng vào ban đêm.
Với dịch vụ đưa đón tận nơi, tương đương khách đón xe tại 1 điểm và xuống 1 điểm, giá vé là 40.000 đồng vào ban ngày và 80.000 đồng vào ban đêm (áp dụng cho một khu vực quận 1 và quận 4 hoặc quận 5 và quận 6). Nếu phát sinh thêm điểm đón - trả khách, thì mỗi điểm sẽ cộng thêm 30.000 đồng cho ban ngày và 60.000 đồng vào ban đêm.
Hiện tại, có 3 cách để mua vé, đặt dịch vụ xe điện: Thứ nhất, người dân có thể cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại. Thứ hai, đặt dịch vụ trên trang website. Thứ 3, người dân có thể gọi điện trực tiếp tới tổng đài. Việc thanh toán các dịch vụ xe điện sẽ không dùng tiền mặt… Trường hợp khách chưa có tài khoản thanh toán, tài xế sẽ hỗ trợ.
Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, việc triển khai loại hình xe điện này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách tham quan du lịch. Người lái phương tiện buộc phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và được tập huấn nghiệp vụ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, xe điện cũng hỗ trợ kết nối với các phương loại hình phương tiện khác như xe đạp công cộng, xe buýt... từ đó giúp phát triển giao thông công cộng.
Trước khi thí điểm xe điện đưa đón khách nội đô, TP. HCM cũng đã thí điểm 3 tuyến xe điện loại 12 chỗ. Mức giá cho mỗi lượt khách là 12.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ tuyến D2 và D3 ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 còn hoạt động. Tuyến D1 ở trung tâm thành phố đã dừng.
Tháng 3/2023, TP. HCM cũng thí điểm tuyến buýt điện cỡ lớn nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP. Thủ Đức) đến quận 1. Đây là tuyến đầu tiên trong 5 tuyến buýt điện cỡ lớn ở thành phố hoạt động, 4 tuyến còn lại chưa vận hành.