TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất: Người dân lo khó "kham" được nghĩa vụ tài chính

Việc giá đất ở nhiều nơi sắp được TP.HCM điều chỉnh tăng lên nhiều chục lần so với bảng giá đang áp dụng tại một số khu vực ngoại thành, đang khiến nhiều người lo lắng sẽ gặp khó với các nghĩa vụ tài chính.

Bảng giá sát với thị trường

Như Đô Thị Mới đã đưa tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo điều chỉnh quyết định số 02 về bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, giá đất tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và TP Thủ Đức, dự kiến điều chỉnh tăng cao, khoảng 20-30 lần so với bảng giá đất hiện đang áp dụng.

Cá biệt, tại huyện Hóc Môn, có tuyến đường song hành quốc lộ 22 (đoạn Nguyễn Ảnh Thủ đến Lý Thường Kiệt) tăng từ mức giá 1,4 triệu đồng lên 71 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 51 lần; hay như đường Nguyễn Thị Thảnh (đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến kênh Trần Quang Cơ) tăng từ 610.000 đồng lên 22,4 triệu đồng/m2, tương đương tăng 37 lần.

Tại các quận trung tâm, những con đường có vị trí “vàng” ở quận 1 như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi ghi nhận mức tăng 5 lần …Thời gian áp dụng bảng giá mới này từ ngày 1/8 đến ngày 31/12/2024. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM sẽ đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội để tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/1 đến 31/12/2025.

thu-duc-1722027643.jpg
Giá đất ở nhiều nơi sắp được TP.HCM điều chỉnh tăng lên vài chục lần so với mức hiện nay

Bảng giá đất sẽ được áp dụng trong những trường hợp: tính tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tính lệ phí quản lý và sử dụng đất; tính tiền xử phạt, tiền bồi thường khi vi phạm trong lĩnh vực đất đai và tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngay sau khi bản dự thảo này được công bố để lấy ý kiến rộng rãi, nhiều ý kiến cho rằng, với mức giá sát với thị trường này, sẽ giúp người dân không bị thiệt thòi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, việc bảng giá đất đã tiếp cận với giá thị trường, sẽ khiến các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản minh bạch hơn. Theo đó, khi giao dịch người mua bán sẽ khó có thể khai mức giá thấp hơn để giảm số tiền thuế phí phải đóng, hay còn gọi là “mua bán hai giá” bởi đã có bảng giá đất đối soát. Ngoài ra, các khoản thu từ đất đai về ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên, công tác giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơi khi tỷ lệ đồng thuận của người dân sẽ ở mức cao.

Nhiều người lo không “kham” nổi nghĩa vụ tài chính

 Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người dân bày tỏ sự lo lắng. Theo bà Trần Huyền Trang – cố vấn pháp lý của một công ty luật tại TP.HCM cho biết, giá đất tăng cao sẽ kéo theo các nghĩa vụ tài chính cũng sẽ tăng theo tương ứng.

Đây sẽ là một khoản tiền không nhỏ đối với người dân, nhất là tại các huyện ngoại thành, nơi có mức giá tăng cao nhất, nhưng là địa bàn có nhiều người dân chưa làm được sổ đỏ do vướng quy hoạch, hoặc chưa có điều kiện làm.

Bà N.T.N (huyện Hóc Môn) cho biết, gia đình bà có thửa đất 1.000m2 tại xã Bà Điểm, tiếp giáp đường song hành quốc lộ 22 chưa được cấp sổ, nhưng đã được các thành viên trong gia đình xây nhà, làm vườn kín hết đất, ở ổn định từ trước ngày 15/10/1993 đến nay.

nha-be-1722027979.jpg
Khu vực huyện Nhà Bè cũng được điều chỉnh từ 3 triệu đồng lên 70 triệu đồng/m2

Năm 2023, sau khi giải quyết được những vướng mắc về làm sổ đỏ trước đó, gia đình bà N đã tiến hành làm hồ sơ nộp cho UBND huyện. Tuy nhiên, với bảng giá đất mới dự kiến được áp dụng từ ngày 1/8, khu vực đường song hành quốc lộ 22 đã tăng từ 780.000 đồng lên 39 triệu đồng/m2, nghĩa vụ tài chính của gia đình bà N phải nộp cho Nhà nước lên tới 17 tỉ đồng.

Cũng tại huyện Hóc Môn, một gia đình ở gần đường Lê Thị Hà bày tỏ lo lắng khi đất gia tộc nhiều đời để lại, lâu nay vẫn sống ổn định nên vẫn chưa làm sổ. Theo bảng giá điều chỉnh đất của thành phố, khu vực đường Lê Thị Hà sẽ tăng từ 1,56 triệu đồng lên 52,2 triệu đồng/m2.

Đại diện cho rằng, tiền chênh lệch phải đóng để được công nhận đất ở sẽ tăng lên tương tự, gia đình khó có thể “kham” được.

Không riêng người dân Hóc Môn, anh Nguyễn Đình Anh (TP Thủ Đức) cũng cho biết, gia đình anh có mảnh đất của ông bà để lại 1.000m2, trong khi với mức giá đất mới đã lên đến gần 150 triệu/m2, thì tổng giá trị đất sẽ đạt khoảng gần 150 tỉ đồng, với mức thuế sử dụng đất 0,03% như hiện nay, mỗi năm sẽ phải nộp khoảng 45 triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn đối với người lao động phổ thông như anh.

Cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, anh Huy Hoàng (huyện Nhà Bè), thông thường, đất không có thổ cư sẽ đóng tiền sử dụng đất hàng năm gấp 5 lần do là “đất sử dụng không đúng mục đích”. Theo đó, các phần diện tích này sẽ được tính mức thuế sử dụng đất là 0,15%.

Như vậy, trong trường hợp nhà anh có 500m2 đất do cha ông để lại tại khu vực đường Phạm Hùng, theo bảng giá mới dự kiến được áp dụng từ 1/8 là 70 triệu đồng/m2, tương đương tổng giá trị khoảng 35 tỉ đồng, mức thuế mà gia đình anh phải đóng sẽ là hơn 52 triệu đồng/năm.